Phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp cùng với phát triển ngành giống và đổi mới, tái cơ cấu nông nghiệp là các nội dung cốt lõi của chiến lược thúc đẩy năng suất nông nghiệp ở giai đoạn thí điểm của Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế công bằng cho ASEAN (gồm 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam-CLMV).
Đó là đánh giá của Tiến sỹ Larry C.Y.Wong, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (ISIS) Malaysia tại diễn đàn chính sách tăng cường năng suất nông nghiệp và chuỗi cung ứng tại Việt Nam diễn ra sáng nay (3/10), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. [Mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp-nông thôn] Bà Larry C.Y.Wong cho biết, mặc dù các nước CLMV đang trong quá trình đổi mới và còn nhiều thách thức, song các nước này đang từng bước nắm bắt những quyền cơ bản và công bằng trong việc quản lý chuỗi cung ứng để nâng cao năng suất trong ngành lúa gạo để đạt tới hiệu quả tăng trưởng hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, cần có sự chuyển đổi để nắm bắt (có thể đột phá ở vài lĩnh vực) hết các tiềm năng trong từng quốc gia cũng như cả nhóm. Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bà Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh: Hơn 20 năm qua, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng khá đều đặn và tương đối cao so với các nước trong khu vực, tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, phát triển trên bề rộng… Theo đó, các chuỗi giá trị ngành hàng chưa có khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm thấp, không đồng nhất… do vậy, việc tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng là việc làm rất cấp bách hiện nay. Diễn đàn hướng tới tăng cường đối thoại chính sách giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, tư nhân, xây dựng giải pháp quan trọng hướng đến phát triển, thúc đẩy đồng bộ chuỗi cung ứng nông nghiệp tại Việt Nam, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh đảm bảo mục tiêu phát triển của ngành. [ĐBSCL sẽ hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch lúa] Bên cạnh đó nhà nước cần tăng cường vai trò, năng lực như cơ quan điều phối khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển, đẩy mạnh phân phối tiêu thụ sản phẩm cũng như tham gia vào quá trình hoạch định chính sách về tài chính, đầu tư… nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất kinh doanh hàng hóa và chuỗi cung ứng nông nghiệp tại Việt Nam.
Vận hành máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lúa của huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Khuyến nghị những chính sách giúp Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu, bà Yumiko Tamura - Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam khẳng định: Nông nghiệp Việt Nam vẫn cần phát triển hơn nữa thông qua đổi mới chính sách, cải cách thể chế, ứng dụng công nghệ nhanh hơn nữa, cũng như đầu tư hiệu quả hơn nữa, quan tâm chặt chẽ đến chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm./.
Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn đưa ra 5 giải pháp chính nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi nông nghiệp theo hướng bền vững: 1. Hướng đến ngành hàng nông sản có giá trị cao và có tính cạnh tranh. 2. Tập trung sản xuất nông nghiệp tạo thêm giá trị gia tăng. 3. Tăng cường yếu tố kích cung bằng cách kiểm soát chất lượng và vệ sinh thực phẩm. 4. Chuyển đổi từ thâm dụng tài nguyên sang hướng tăng trưởng nông nghiệp thâm dụng công nghệ. 5. Chuyển từ đất đai sản xuất manh mún sang đất đai tập trung và từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp gắn với phát triển doanh nghiệp nông thôn. |
Thanh Tâm (Vietnam+)