VN-Index giảm, thanh khoản tiếp tục cải thiện

Kết thúc phiên giao dịch sáng 12/3, chỉ số VN-Index quay đầu giảm 4,84 điểm (1,89%) xuống còn 251,01, chấm dứt 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Tuy nhiên, tính thanh khoản của thị trường tiếp tục được cải thiện.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 12/3, chỉ số VN-Index quay đầu giảm 4,84 điểm (1,89%) xuống còn 251,01, chấm dứt 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Tuy nhiên, tính thanh khoản của thị trường tiếp tục được cải thiện.
 
Tại Sở Giao dịch chứng kkhoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), trong tổng số 174 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết, có 34 mã tăng giá (14 mã tăng trần), 122 mã giảm giá (40 mã giảm sàn), 21 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch (HBD).
 
Khối lượng giao dịch phiên này tăng mạnh lên 19,5 triệu đơn vị, tương ứng 311,7 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 8 triệu đơn vị và 149,3 tỷ đồng/phiên của tháng 2/2009.
 
Các cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường hầu hết đã quay đầu giảm điểm, trong đó VIC giảm sàn 1.800 đồng xuống 35.300 đồng/cổ phiếu. Chỉ có hai cổ phiếu không rơi vào cảnh này là VPL của Du lịch Thương mại Vinpearl (tăng 400 đồng lên 40.000 đồng/cổ phiêu) và HAG của Hoàng Anh Gia Lai (đứng giá ở mức 54.000 đồng/cổ phiếu).
 
Theo giới đầu tư, việc chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm không hoàn toàn gây thất vọng. Bởi lẽ mặc dù giảm điểm nhưng khối lượng giao dịch tăng mạnh. Điều này cho thấy sự trở lại của các nhà đầu tư bởi họ cảm nhận rằng chứng khoán Việt Nam đã chạm đáy, cơ hội đầu tư đã đến.
 
Giao dịch trên sàn HoSE được dẫn đầu bởi cổ phiến STB của Sacombank với 3,48 triệu đơn vị được chuyển nhượng. HSG của Tập đoàn Hoa Sen theo sau với 1,51 triệu. ITA của Khu công nghiệp Tân tạo đứng ở vị trí thứ 3 với 0,92 triệu. PVT của Vận tải Dầu khí và VHG của Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn đứng ở các vị trí tiếp theo với 0,86 và 0,71 triệu đơn vị.
 
Phiên này tiếp tục chứng kiến sự “rút lui” của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên, khối này đã bán ra 1,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 35,6 tỷ đồng, trong khi đó, lượng mua vào chỉ là 0,66 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 9,7 tỷ đồng.
 
Trên Sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index cũng quay đầu giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp, mất 2,99 điểm (3,31%) xuống 87,47 điểm.
 
Tổng khối lượng giao dịch thành công đạt 9,5 triệu đơn vị, trị giá 156,8 tỷ đồng, phiên trước là 10,4 triệu đơn vị và 199,5 tỷ đồng.
 
Trong tổng số 160/179 mã giao dịch, có 116 mã giảm giá vào cuối phiên, 25 mã tăng giá và 19 mã đứng giá.
 
Các cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất phiên này là TBX, VCS, SSS, PVE và HBE, với mức tăng từ 600 - 1.000 đồng/cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, Các cổ phiếu giảm giá nhiều nhất là DAC, VHL, VSP, HLY và L62, với mức giảm từ 1.300 - 1.800 đồng/cổ phiếu.
 
Về khối lượng giao dịch, ACB tiếp tục dẫn đầu sàn với trên 1,65 triệu cổ phiếu được giao dịch. Các mã khác giao dịch mạnh là KLS (1,436 triệu), BCC (571.000), BVS và HPC giao dịch trên 400.000 đơn vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục