VN tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Hạ nguồn Mekong

Ngày 1/7, bên lề AMM-46 diễn ra ở Brunei, Bộ trưởng Ngoại giao đã tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hạ nguồn Mekong.
Theo phóng viên TTXVN có mặt tại Brunei, ngày 1/7, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 (AMM-46), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hạ nguồn Mekong-Mỹ cùng Hội nghị Bộ trưởng Hạ nguồn Mekong và những người bạn, đã diễn ra

Các hội nghị có sự tham dự của Trưởng đoàn các nước Mekong, Mỹ, Tổng Thư ký ASEAN cùng đại diện các nước và đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Australia, New Zealand, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị này.

Với chủ đề "Cơ hội và thách thức về Kết nối và Môi trường," Hội nghị Bộ trưởng Hạ nguồn Mekong-Mỹ (LMI) tập trung thảo luận các thách thức phát triển khu vực và nhu cầu hợp tác hỗ trợ các nước Mekong thu hẹp khoảng cách phát triển.

Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định lại cam kết của Mỹ tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước Mekong trong việc triển khai thành công Sáng kiến Hạ nguồn Mekong.

Hội nghị đánh giá hợp tác LMI đạt tiến triển khả quan trên 6 lĩnh vực trụ cột thông qua việc triển khai nhiều sáng kiến và chương trình hợp tác như Kết nối Mekong, Dự báo Mekong, Hội thảo hợp tác Đối tác công-tư (PPP)...

Hội nghị nhất trí tạo sự gắn kết hơn giữa hợp tác LMI với sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI); hỗ trợ các nước Mê Công hội nhập trong lĩnh vực Mỹ có thế mạnh như giáo dục đào tạo, năng lượng, công nghệ thông tin và y tế-sức khỏe; chú trọng vấn đề giới trong phát triển. Hội nghị nhất trí thành lập Nhóm Chuyên gia và Nhân vật nổi tiếng để khuyến nghị phương hướng hợp tác LMI trong thời gian tới.

Hội nghị Bộ trưởng Hạ nguồn Mekong và những người bạn (FLM) đã thảo luận về các cơ hội và thách thức trong quản lý nguồn nước chung sông Mekong.

Đa số ý kiến nhất trí về sự cấp thiết tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý nguồn nước chung nhằm đối phó với các thách thức to lớn về môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với lưu vực sông.

Các đối tác phát triển và tài trợ quốc tế khẳng định cam kết hỗ trợ các nước Mekong cải thiện hạ tầng, phát triển bền vững, đặc biệt là hỗ trợ nâng cao năng lực của Ủy hội sông Mekong quốc tế trong nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường và quản lý nguồn nước chung. Một số ý kiến đề nghị phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các đối tác phát triển nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác và tránh chồng chéo.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao các đối tác phát triển, trong đó có Mỹ, đã triển khai những hoạt động thiết thực tăng cường kết nối và hội nhập giữa các nước Mekong như việc tổ chức thành công hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hạ tầng và hợp tác công-tư tại Việt Nam năm 2013.

Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam nói riêng và lưu vực sông Mekong nói chung sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước nguy cơ cạn kiệt dòng chảy, biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường khác. Do vậy, các nước liên quan cần tuân thủ các nguyên tắc luật pháp quốc tế và Hiệp định Mekong năm 1995 nhằm đảm bảo sử dụng bền vững, công bằng nguồn nước chung.

Các nước cũng hoan nghênh và cam kết tích cực triển khai hai dự án về quản lý nước ngầm và quản lý nước mùa hạn tại lưu vực sông Mekong do Việt Nam đề xuất năm 2012./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục