Ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục bảo tồn Đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường cho biết, Việt Nam là một trong những trung tâm giàu nguồn gen của thế giới. Tuy nhiên, những lợi ích có được từ việc tiếp cận nguồn gen hiện vẫn chưa được chia sẻ một cách công bằng giữa người cung cấp và sử dụng nguồn gen một cách hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, do Tổng cục Môi trường tổ chức sáng nay (20/11), tại Hà Nội, ông Cường nhấn mạnh: Việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) thông qua Nghị định thư Nagoya là một trong những nội dung quan trọng, có ý nghĩa trong việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
"Đây cũng là nhu cầu cấp bách hiện nay về một nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ quyền và lợi ích công bằng của người cung cấp nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen ở Việt Nam," ông Cường nói.
Theo ông Cường, những năm qua, Việt Nam đã mất rất nhiều nguồn gen mang tính đặc hữu cũng như nhiều cây thuốc quý. Vì vậy, việc tham gia Nghị định thư Nagoya sẽ góp phần thúc đẩy các tổ chức của nước ta tham gia tích cực vào thị trường nguồn gen của các quốc gia trên toàn cầu.
"Quan trọng hơn, Nghị định thư Nagoya là cơ sở pháp lý vững chắc để Việt Nam có thể cung cấp nguồn gen một cách chính thống trên thị trường thế giới. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ nguồn gen và các tổ chức khai thác nguồn gen phải chia sẻ lợi ích, tạo sinh kế cho người dân bản địa,” ông Cường nhấn mạnh.
Từ thực tiễn nêu trên, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng việc Việt Nam tham gia Nghi định thư Nagoya là cơ hội mới để bảo tồn nguồn đa dạng sinh học đồng thòi góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương.
Cùng với đó, ông Đồng hy vọng thông qua buổi hội thảo, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các quốc gia thành viên ASEAN sẽ cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để làm rõ hơn về các vấn đề liên quan đến quản lý tiếp cận nguồn gen, và chia sẻ lợi ích.
Qua đó, Tổng cục Môi trường sẽ có cơ sở khoa học để tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành liên quan đưa ra những chiến lược quản lý, bảo vệ nguồn gen một cách hiệu quả nhất./.