Vốn ngoại còn khá dè dặt với thị trường trái phiếu

Mặc dù lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến 2020 do Bộ Tài chính phê duyệt tại quyết định 261/QĐ-BTC đã có những quy định khá rõ ràng, nhưng thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tín dụng, khoảng 85- 90% dư nợ, do đó trái phiếu huy động thành công thường có kỳ hạn ngắn.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu quay lại thị trường trái phiếu trong nước vào cuối năm 2012, nhưng vẫn còn rất dè dặt...

Ngày 6/3, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã phối hợp cùng với Kho Bạc Nhà Nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức Hội nghị thành viên thị trường năm 2013. Theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, mặc dù nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, tuy nhiên thị trường trái phiếu trong thời gian qua đã có một bước phát triển khá quan trọng, tích cực huy động nguồn lực cho đầu tư cho đầu tư của ngân sách nhà nước cũng như đầu tư phát triển của các định chế tài chính và các doanh nghiệp. Năm 2012, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ huy động thành công trên 145 nghìn tỷ. Trên thị trường, các chính quyền địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) đã bắt đầu sử dụng công cụ trái phiếu để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế địa phương. Tính đến 31/12/2012, dư nợ trái phiếu chính quyền địa phương đạt 9 trên nghìn tỷ đồng. Trên thị trường thứ cấp, tính thanh khoản cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Khối lượng trái phiếu giao dịch duy trì ở mức cao, bình quân 1.000 – 1.200 tỷ đồng/ngày. Qua đó, hoạt động của đồng vốn quay vòng nhanh hơn đồng thời góp phần chuyển đổi nguồn vốn ngắn hạn thành nguồn vốn dài hạn để phát triển kinh tế của đất nước. Ngoài ra, mặt bằng chi phí về huy động thị trường trái phiếu trên thị trường sơ cấp đã giảm đáng kể và bên cạnh đó mức lợi tức hình thành thông qua thị trường giao dịch trái phiếu cũng ổn định hơn. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế, hiện cơ cấu trái phiếu Chính phủ đang chiếm tỷ trọng lớn, do đó thị trường cần phải có những giải pháp khuyến khích khu vực doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn trái phiếu, qua đó nâng cao điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh cũng như cơ cấu lại nguồn vốn tại các doanh nghiệp. Trong năm 2012, chỉ có 43 doanh nghiệp đăng ký phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ với khối lượng đăng ký trên 33,7 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành thành công là 24,3 nghìn tỷ đồng. Yếu tố khác, thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tín dụng, 85 – 90% dư nợ của trái phiếu từ các tổ chức tín dụng. Nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu quay lại thị trường trái phiếu trong nước vào cuối năm 2012, nhưng vẫn còn dè dặt, nắm giữ khoảng 6 – 7% tổng khối lượng trái phiếu. Điểm đáng chú ý, các ngân hàng thương mại có nguồn vốn đầu tư dài hạn ít nên nhu cầu chủ yếu là trái phiếu có kỳ hạn ngắn (chủ yếu là tín phiếu và trái phiếu kỳ hạn 2,3 năm, nhu cầu đầu tư đối với kỳ hạn 10 năm là nhỏ). Tính công khai minh bạch trên thị trường cũng còn hạn chế, liên quan đến các chính sách phát triển thị trường, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ… Trên thị trường thứ cấp, giao dịch repo (hợp đồng mua lại) chưa được báo cáo đúng bản chất, ảnh hưởng đến tính chính xác về bản chất và thời điểm của lãi suất giao dịch. Đại diện Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, kế hoạch hoạt động của Hiệp hội trong năm 2013 sẽ tập trung xây dựng trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp, xây dựng hợp đồng khung chuẩn cho giao dịch repo, xây dựng cẩm nang phát triển trái phiếu doanh nghiệp… hỗ trợ thành viên thị trường trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chuẩn hóa quy trình hoạt động kinh doanh trái phiếu trong các tổ chức tài chính theo thông lệ quốc tế./.

 Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến 2020 do Bộ Tài chính phê duyệt tại quyết định 261/QĐ-BTC.

-    Tăng tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP từ 18% (2011) lên khoảng 38% GDP (2020).

-    Kéo dài kỳ hạn vay qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2011–2015 trung bình khoảng từ 4 – 6 năm và giai đoạn 2016 – 2020 lên từ 6 – 8 năm.

-    Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ nắm giữ từ mức 12% (2011) lên mức 20% (2020).

-    Tăng khối lượng giao dịch trái phiếu giao ngay bình quân phiên từ mức khoảng 0,2% dự nợ trái phiếu niêm yết
(2011) lên mức khoảng 0,3 - 0,4% dự nợ trái phiếu niêm yết (2020).
Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục