VRDF 2019: Đổi mới sáng tạo để vượt nhập bẫy thu nhập trung bình

VRDF 2019 hướng tới cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.
Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF 2019) đề cập các nội dung mang tính bao trùm về cải cách và phát triển của Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF 2019) đề cập các nội dung mang tính bao trùm về cải cách và phát triển của Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

"Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF 2019) đề cập các nội dung mang tính bao trùm về cải cách và phát triển của Việt Nam, với sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước, khu vực tư nhân, dự kiến sẽ được tổ chức thường niên, trước mắt trong các năm 2018 - 2021."

Nội dung trên được ông Lưu Quang Khánh Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại buổi họp báo trước thềm Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019, ngày 13/9.

[IMF: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020 giảm do căng thẳng thương mại]

Diễn đàn là nơi tập hợp các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các chuyên gia, nhà cải cách và các tổ chức cùng trao đổi, thảo luận thẳng thắn về những vấn đề cải cách và phát triển của đất nước nhằm tìm kiếm, đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, các hành động cụ thể thông qua các cơ quan tổ chức Diễn đàn để chuyển đổi nhanh nhất thành các hành động chính sách cải cách và phát triển của Chính phủ.

VRDF 2019: Đổi mới sáng tạo để vượt nhập bẫy thu nhập trung bình ảnh 1Họp báo trước thềm Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019, ngày 13/9. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất của VRDF 2019 là cung cấp đầu vào quan trọng cho việc xây dựng một số văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 10 năm tới 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, mô hình tăng trưởng kinh tế đang được chuyển dịch theo hướng nâng cao hiệu quả và chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì các cân đối vĩ mô lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (thời kỳ 2011-2020) đồng thời xây dựng các văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó một số văn kiện quan trọng nhất bao gồm Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Do đó, VRDF 2019 sẽ được tổ chức sớm hơn vào 19/9 (so với VRDF 2018) nhằm thu nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín cho nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2020, phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 dự kiến trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (Khóa XII) vào tháng Mười. Ngoài ra, VRDF 2019 sẽ cung cấp đầu vào cho việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thông qua việc đề xuất các ưu tiên, các trọng tâm cải cách và phát triển cho giai đoạn phát triển tới của đất nước.

Theo ban tổ chức, chủ đề và nội dung của VRDF 2019 mang tính bao trùm, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

“Chủ đề của VRDF 2019 thể hiện nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng và người dân hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động và xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia đồng thời thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, mang tính hiện đại, hội nhập và quyết tâm thực hiện đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển nhanh và bền vững,” ông Khánh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục