Thị trường di động tại Việt Nam là một mảnh đất rất màu mỡ với hãng điện thoại trong nước cũng như nước ngoài. Dù rất nhiều thương hiệu Việt đã cố gắng chiếm thị phần trong thị trường điện thoại thông minh đang phát triển mạnh mẽ nhưng thị phần giành được chỉ là một con số ít ỏi.
Thực tế cho thấy, các thương hiệu điện thoại ngoại đặc biệt đến từ Trung Quốc đã và đang tận dụng rất nhiều ưu thế về giá cũng như cấu hình để xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Việt.
Tuy nhiên, trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, thương hiệu điện thoại Vsmart từ Vingroup đã có được những bước tiến đáng kể.
Các dòng điện thoại của Vsmart đang phát triển rất nhanh và khá đa dạng về phân khúc cũng như tính năng. Chúng được bán với giá hợp lý và Vsmart có cách tiếp thị và bán hàng thông qua nhiều hình thức.
[Vsmart sẽ là ‘thế lực mới’ mới trên thị trường smartphone Việt?]
Đầu năm 2020, Forbes gọi VinSmart là “hiện tượng” của làng di động Việt. Chỉ sau 2 tháng, hãng sản xuất này đã chứng minh, họ xứng đáng được gọi là “thế lực mới” khi bất ngờ công bố đạt 16,7% thị phần di động trong tuần cuối tháng 3, chỉ đứng sau 2 thương hiệu khác.
Gia nhập thị trường bằng con mắt thực tế
Giữa tháng 6/2018, Tập đoàn Vingroup bất ngờ ra thông báo sẽ sản xuất các thiết bị điện tử, khởi đầu là điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart.
Nhiều người tỏ ra hào hứng vì sự xuất hiện của Vsmart có thể khiến thị trường điện thoại di động trở nên sôi động. Tuy nhiên, cũng không ít người hoài nghi về triển vọng của Vsmart bởi thị trường smartphone vốn cạnh tranh rất khốc liệt. Nhiều chuyên gia khi đó nhận định, cánh cửa mở ra cho các thương hiệu mới, nhất là thương hiệu Việt, trong cuộc chơi đầy tốn kém này ngày càng hẹp dần.
Số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường GfK cho biết, trung bình trong cả năm 2019, smartphone có giá dưới 3 triệu đồng chiếm 20,4% thị phần, tương ứng 2,99 triệu máy hoặc trung bình 8.200 sản phẩm được bán ra mỗi ngày. Còn trung bình hằng tháng, tổng số smartphone bán ra ở thị trường Việt Nam vào khoảng 1,2 triệu máy, tức khoảng 40 ngàn máy/ngày. Theo giới kinh doanh, đây là thị trường hết sức hấp dẫn đối với các nhà sản xuất điện thoại di động.
Đây cũng có thể được coi là "miếng bánh" quan trọng để một "tân binh" như Vsmart nhắm tới với cách tiếp cận cực kỳ thực tế.
Cụ thể, hãng điện thoại Việt này đã nhìn thấy cơ hội ở phân khúc mà các thương hiệu nước ngoài đang bỏ ngỏ: phân khúc dưới ba triệu đồng.
Nhóm khách hàng là những người lao động phổ thông, học sinh, sinh viên, người cao tuổi… chỉ cần smartphone giá phổ thông để phục vụ nhu cầu cơ bản như duyệt web, xem video, vào mạng xã hội.
Smartphone của VinSmart trình làng năm 2018 với 4 mẫu đầu tiên có tên lần lượt Joy1, Joy1+, Active1 và Active1+, với giá từ 2,5 - 6,3 triệu đồng/sản phẩm.Và chỉ 2 tháng sau, Vinsmart lập tức chiếm hơn 2% thị phần điện thoại di động Việt.
Trong năm 2019, VinSmart đã ra mắt thêm các mẫu điện thoại khác như Bee, Star, Joy2+, Live, với mức giá 1,39 - 7,9 triệu đồng.
“Tôi đánh giá cao cách tiếp cận thị trường khách hàng phổ thông của VinSmart. Với thị trường vốn rất khắt khe với các nhãn hàng mới như Việt Nam, việc tập trung vào phân khúc phổ thông là phù hợp và đã chứng tỏ thành công,” ông Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc kinh doanh chuỗi bán lẻ CellphoneS chia sẻ.
Chiếc Vsmart Live đã trở thành một trong những hiện tượng công nghệ mới tại thị trường Việt Nam khi Công ty quyết định hạ giá chiếc smartphone này xuống chỉ còn một nửa so với giá bán niêm yết ban đầu.
Đây cũng là một động thái quan trọng của nhà sản xuất để cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất tới từ Trung Quốc, vốn “độc tôn” trong phân khúc này.
Cú bứt tốc ngoạn mục
Tròn một năm có mặt trên thị trường, VinSmart đạt thị phần 7,7% vào tháng 12/2019. Con số này tăng lên 11,2% trong tháng 2/2020, đưa VinSmart thành thương hiệu điện thoại có thị phần lớn thứ ba tại Việt Nam xét về doanh số bán.
Cột mốc 10% vốn được xem là cột mốc quan trọng trên thị trường di động khắc nghiệt tại Việt Nam. Một khi thương hiệu giữ vững thị phần trên 2 con số sẽ hiển nhiên được bước vào “chiếu trên” cùng với các ông lớn trên thị trường như Oppp, Samsung,... và nhường lại cuộc chiến khốc liệt cho 3-5 thương hiệu bên dưới, giành giật nhau khoảng 22% thị phần.
“VinSmart có nhà máy, đội ngũ nhân sự với năng lực sản xuất lớn. Thứ hai là cách tiếp cận phân khúc phổ thông – vốn chiếm phần lớn khách hàng tại Việt Nam và vẫn còn tiềm năng. Thứ ba là trong hệ sinh thái của Vingroup và có thể tận dụng được uy tín lâu năm của thương hiệu này. Hơn nữa, cùng cấu hình điện thoại như của Vsmart, khách hàng phải mua sản phẩm của các hãng khác với giá cao hơn 30%, 50% hoặc thậm chí có thể gấp đôi. Không chỉ có giá hợp lý, điện thoại Vsmart còn được bảo hành chính hãng lên tới 18 tháng, hỗ trợ 1 đổi 1 lên tới 101 ngày. Sản phẩm phải thật sự chất lượng mới tự tin với chính sách bảo hành chưa từng có này,” ông Nguyễn Đình Duy – Trưởng ngành hàng điện thoại chuỗi bán lẻ Viettel Store nhận định.
Mới đây, tháng 10/2019, VinSmart đã chính thức công bố tham gia thị trường Nga với việc ra mắt 4 sản phẩm điện thoại thông minh mới nhất. Nga là thị trường xuất khẩu thứ ba của VinSmart, sau Tây Ban Nha và Myanmar.
Vinsmart cũng cho thấy sự nghiêm túc khi tham gia cuộc chơi này với việc khánh thành giai đoạn 1 của Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) có diện tích gần 14,8 hecta và tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm.
Tính đến hết tháng 3/2020, VinSmart đã ra mắt thị trường 12 mẫu điện thoại và 5 mẫu Smart TV.
Đến thời điểm này, người tiêu dùng không còn hoài nghi hay đặt dấu hỏi về tương lai của VinSmart. Thay vào đó, họ có quyền được kỳ vọng, hãng điện thoại này sẽ tiếp tục khai phá các cột mốc mới, đưa thương hiệu Việt vươn cao trên bản đồ công nghệ thế giới./.