Khi tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, ông Joe Biden đã chỉ trích chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump tăng mạnh thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, khi cho rằng việc này gây tổn hại cho người tiêu dùng, nông dân và nhà sản xuất Mỹ.
Sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền được 9 tháng, Washington không những không có dấu hiệu hủy bỏ chính sách thuế quan dưới thời của ông Trump, mà dự kiến sẽ tuyên bố Trung Quốc đã không thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Mỹ có thể sẽ tiếp tục nâng cao mức thuế quan nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Trên thực tế, những ngày qua, chính quyền của ông Biden liên tục phát đi những thông tin mà qua đó, thế giới bên ngoài có thể nhìn ra phần nào manh mối về chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Thứ nhất, khi được trang web thời sự Politico phỏng vấn vào tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định rằng chính sách thuế quan của ông Trump là một "công cụ hiệu quả."
Chính sách thương mại của ông Biden với Trung Quốc sẽ dựa trên chính sách của người tiền nhiệm. Như vậy, có thể nói dù thế giới bên ngoài cơ bản tin rằng người tiêu dùng và các công ty Mỹ sẽ phải trả cho các mức thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc cũng như chính sách thuế quan của Mỹ chưa chắc dẫn tới thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc, nhưng thuế quan vẫn là vũ khí chính trong chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Thứ hai, sau hơn một năm tiến hành chiến tranh thương mại với Mỹ, đầu năm 2019, chính quyền của cựu Tổng thống Trump đã ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc.
Căn cứ vào thỏa thuận này, trong vòng hai năm (kết thúc vào ngày 31/12/2021), Trung Quốc sẽ phải mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm nông sản, năng lượng và dịch vụ…
Tuy nhiên, đánh giá mới nhất cho thấy Trung Quốc vẫn khó có thể thực hiện được cam kết. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ, tới tháng 8/2021, Trung Quốc chỉ hoàn thành được 62% mục tiêu mua sắm hàng hóa Mỹ.
[Quan chức Mỹ-Trung đánh giá thực thi Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1]
Trả lời phỏng vấn kênh truyền thông độc lập NRP ngày 28/9, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo chỉ trích Trung Quốc đã gây sức ép đối với các hãng hàng không, ngăn chặn họ mua máy bay Boeing của Mỹ với giá trị hợp đồng lên tới hàng chục tỷ USD.
Bà Gina Raimondo cho rằng Trung Quốc không tôn trọng sở hữu trí tuệ và đánh cắp địa chỉ IP (giao thức Internet) của các công ty Mỹ, đồng thời dựng lên các loại hàng rào khác nhau nhằm vào các công ty Mỹ đang làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc.
Phát biểu của bà Gina Raimondo dường như là tín hiệu cho thấy chính quyền của ông Biden sắp áp dụng chính sách thương mại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ phản ứng như thế nào trước việc Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung? USTR có áp dụng thêm thuế trừng phạt nhằm vào hàng hóa Mỹ hoặc gây áp lực buộc Trung Quốc bắt đầu giai đoạn hai của đàm phán thương mại Mỹ-Trung hay không? Tất cả sẽ sớm được biết thông qua tuyên bố của bà Katherine Tai dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 5/10 (theo giờ Hà Nội).
Thứ ba, vào ngày 29/9 vừa qua, bà Gina Raimondo, bà Katherine Tai và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đồng chủ trì cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU (TCC) với các Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager và Valdis Dombrovski.
Cuộc họp diễn ra tại Pittsburgh nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Mỹ và EU trong lĩnh vực công nghệ chiến lược then chốt, bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng và giảm sự lệ thuộc kinh tế đối với Trung Quốc.
Điều này cho thấy Mỹ và EU ngày càng thống nhất với nhau trong lập trường về Trung Quốc, qua đó giúp gia tăng niềm tin của Washington về chính sách thương mại, công nghệ đối với Trung Quốc trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và EU dần nâng vấn đề thương mại và công nghệ lên tầm địa chính trị và ngoại giao cho thấy hai bên sẵn sàng hợp tác để cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc. Việc này giải thích tại sao chính quyền của ông Biden nhiều lần tuyên bố Mỹ sẽ không thể tự mình giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trừ khi nước này bắt tay với các đồng minh của mình.
Tờ Tin tức Thế giới dẫn tiết lộ của quan chức chính quyền của ông Biden cho biết thêm Nhà Trắng đang xem xét điều tra chính sách trợ cấp thương mại của Trung Quốc theo điều 301, Luật Thương mại Mỹ.
Kết quả có thể dẫn tới việc Mỹ áp đặt thuế bổ sung mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhà Trắng còn kỳ vọng có thể hợp tác với EU, Nhật Bản và các đồng minh châu Á khác để chống lại các biện pháp trợ cấp của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo báo trên, nhiều năm qua, Bắc Kinh đã sử dụng biện pháp trợ cấp để giúp các nhà sản xuất Trung Quốc giành vai trò chủ đạo trên thế giới trong các ngành công nghiệp như gang thép, tấm pin Mặt Trời và phụ tùng ôtô, gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ.
Hiện nay, Trung Quốc đang cố gắng tập trung trợ cấp vào các ngành mà họ tin rằng rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh trong tương lai của đất nước như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử.
Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về chính sách trợ cấp của Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng làm theo cách của Trung Quốc, trợ cấp cho một số nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Nguyên nhân là do Nhà Trắng đánh giá rằng trợ cấp là vũ khí thần kỳ của Trung Quốc để tăng cường ngoại thương, nên khả năng Bắc Kinh đàm phán nghiêm túc về vấn đề trợ cấp là rất thấp.
Từ lâu, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã chỉ trích về tác hại của việc chính quyền của ông Biden thực hiện chính sách thương mại tương tự như ông Trump đối với Trung Quốc. Vào tháng 9/2021, khoảng 30 hiệp hội thương mại ở Mỹ đã viết thư gây sức ép đối với chính quyền của ông Biden, trong đó kêu gọi hủy bỏ chính sách thuế quan đối với Trung Quốc dưới thời ông Trump với lý do chính sách này “tốn kém và đã trở thành gánh nặng.”
Cây gậy thuế quan không bao giờ là công cụ chính sách thương mại hoàn hảo. Nước Mỹ đã tranh luận hơn 200 năm về vai trò của thuế quan đối với kinh tế, nhưng không thể đưa ra kết luận thuyết phục.
Dưới thời Tổng thống Trump, thuế quan rõ ràng chưa thành công trong việc ép buộc Trung Quốc hủy bỏ trợ cấp đối với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề là đối mặt với hành động thương mại bị bóp méo của Trung Quốc, Mỹ không có công cụ thay thế nào khác hiệu quả hơn ngoài việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Kết quả nghiên cứu dân ý của Trung tâm Pew cho thấy hơn 3/4 người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, cả đảng cầm quyền và đảng đối lập đều ủng hộ một chính sách cứng rắn chống lại Trung Quốc. Như vậy, việc ông Biden có duy trì chính sách thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc dưới thời Tổng thống Trump hay không không chỉ là vấn đề giá thành kinh tế mà hơn thế còn là vấn đề chính trị, vấn đề an ninh quốc gia quan trọng.
Điều mà chính quyền của ông Biden cần phải cân nhắc hiện nay là trước một Trung Quốc không thỏa hiệp, Mỹ muốn đợi sau khi Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một kết thúc vào cuối năm nay mới phát động chiến tranh thương mại mới hay sẽ "thử" tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho dù thế nào Mỹ vẫn cần sự hợp tác của Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu. Đây sẽ là một trong những yếu tố mà Mỹ cần tính tới khi khởi động bất cứ lựa chọn nào nêu trên./.