Vũ Quần Phương: Phân định được sao, lý với tình

"Khóc, cười, hét... tùy anh!" là một câu thơ và là lời cảnh báo từ tim của nhà thơ Vũ Quần Phương trong “chân trời sau chân trời” vừa ra mắt.
Mỗi bài thơ hay là một tấm danh thiếp tâm hồn và ghi dấu ấn về “trình độ làm thơ.” Đọc “chân trời sau chân trời” của Nhà thơ Vũ Quần Phương, Nhà xuất bản Văn học năm 2011 mới ấn hành, người yêu thơ có thể cất đi được một số tấm danh thiếp quý cho mình.

Thơ đong chứa tình


Trước tiên, thơ là thơ và mang ấm xúc cảm. Tuy nhiên thơ của người thông minh, sâu sắc và nhiều trải nghiệm thì không cuồng nhiệt mà từ từ lan tỏa. Nhà thơ Vũ Quần Phương trước đây từng tự vấn: “Anh còn gì cho em/ Cánh đồng sau vụ gặt/ Phiên chợ khi vãn người/ Ngọn đèn vừa cạn bấc/ Bãi biển ngày nước lui” mà đến tập thơ này vẫn còn cái say ngầm, đau thấu trong xúc cảm: “Lấy thơ vẽ mặt người tình/ Rụng bông hoa máu hồn thành bơ vơ/ Lấy mình vẽ mặt cho thơ/ Trái tim rát bỏng trên tờ lạnh băng.” Đó là những câu thơ trong bài “Mực lạnh” tưởng nhớ thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Trong thơ có cái chân tình đến sững người, khi ông ghi lại phút giây quan sát trái tim bị đau của mình qua thiết bị y tế hiện đại ở bài thơ “Nó đấy, trái tim tôi”: “Tôi được thấy tim tôi, các buồng tim đang co bóp/... Mình khảo sát tim mình... kể cũng hơi hoang mang/ Nó vất vả thế ư? Suốt một đời người.Ghê thật!/ Cái luồng huyết cuộn dòng xuôi xuống, trườn lên/ ...Ta nhìn nó nhỏ nhoi mà đời bao nhiêu nỗi/ Nó là mình mà mình biết gì đâu.”

Và ta ngộ ra là nhiều khi mải bận ta không hề nghĩ đến cả máu cuộn tim mình, quên cả những yêu tin trong tim đang nuôi mình mỗi khắc giây: “Đấy cánh cửa đưa mình sang cõi khác/....Máy lạnh lùng đo chính xác từng li/ Như giao hẹn với anh: lịch chỉ còn có thế/ Khóc hay cười hay hét toáng...Tùy anh!” Nhà thơ làm cho những người đang muốn khóc, cười, hét toáng thấy chùng lại vì cuối cùng cũng theo đồng hồ trái tim ấy mà vào hư vô.

Nhà thơ còn nhẹ nhàng, giản dị viết tiếp “Thu đĩa đoạn phim này để có thể xem sau/ Xem nó đập khi tim mình thôi đập/ Nó vẫn đau khi tôi chẳng còn đau...”

Cảm xúc của con người thơ ấy còn thể hiện ở lòng yêu nước của người xa quê hương trong một giao thừa thăm cháu con ở Mỹ: “Trong căn nhà này là nước Việt/ Là đèn nhang, con cháu, giao thừa/ Ngoài căn nhà này là nước Mỹ/ Ngày giữa tuần, phố đã vào trưa. /Thiên hạ đi làm yên tĩnh quá/ Nhà ta đón tết với riêng mình.” Bài thơ “Đón giao thừa” này hẳn khiến cho ai từng xa nước dịp Tết thấy xao lòng.

Và không giấu được nỗi buồn tuổi tác trong “Với cháu” nhưng là cái già có tương lai: “Trước yêu con/ khác bây giờ yêu cháu/ Đi công tác nhớ con nung nấu/ nhưng về nhà, lúc cáu, đét mông con/ Với cháu bây giờ đến mắng cũng không đủ sức/ bởi lòng mình vịn nó/ như vịn đời/ thương khó/ âu lo..." Đọc thơ Vũ Quần Phương thấy cái tình ông bà dành cho cháu đậm sâu và đầy nâng niu hơn. Thì ra, tuổi già tựa nương vào “thế hệ cách quãng” là các cháu hơn cả những đứa con mình.

Thơ trải nỗi đời

Một điều sẵn có trong giọng thơ Vũ Quần Phương từ khi tóc ông còn xanh là chất trí tuệ, là trải nghiệm lắng đọng. Từ bài “Đợi” ngày nào đã gây tâm đắc sâu xa “Đứng một ngày đất lạ thành quen/ Đứng một đời em quen thành lạ” đến nay là “Trà đạo”: “Trắng mốc/săn móc câu/ không nhận ra hình lá/ nước thật sôi/ trà chết một lần nữa/ lại hiện ra búp non/ bơi trong đặc chát.” Đọc xong mấy câu thơ mà thấy xót mỗi cánh chè vương đáy chén. Lẽ nào ta nhâm nhi cái chết hai lần của búp chè non! Và chè quý hơn nhiều khi ngẫm ngợi về búp non giữa đặc chát vị đời. Không phải tại trà, bởi người già thao thức “ngày bắt đầu từ đêm.”

Đó còn là trải nghiệm nói về một nghề nhưng không chỉ một nghề giống như mọi hệ lụy của cuộc đời. “Muốn là được nhưng bao giờ được muốn/ Người bị giam giam cai ngục. Thời gian/ thành sợ xích nối hai đời một phận/ Thắng hay thua thì thân cũng tội tù.”

Còn có cái hóm hỉnh mà đúng sự đời làm sao: “Người tìm thì không gặp/ toàn gặp người không tìm/ đám đông thì không mặt/ nào biết ai vào ai” trong bài thơ có tên “Thơ lúc đi đường.”

Trong bài “Gửi sen” với cảm tác từ câu ca dao “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn,” nhà thơ Vũ Quần Phương đã có hướng nhìn về một thói đời sớm phụ nghĩa, quên tình: Người thành công quên thưở hàn vi, kẻ đủ lông cánh quên người chắt chiu nuôi dưỡng. Đạo hiếu, đạo nghĩa và lẽ đời cũng từ đây: “Quên bùn vội thế hả sen/ Vừa ngoi khỏi nước đã chen bóng trời/ Hóng mây, hóng nắng cao vời/ Lả lơi hương nhụy chào mời gió trăng”

Từ đó lời nhắc sen nghe mà se sắt: “Nữa mai tàn tạ trong đầm/ Ai buông giọt lệ âm thầm khóc hoa/ Đâu vàng, xanh, trắng kiêu sa/ nuôi mầm, giữ gốc lại là bùn đen/ quên bùn vội thế hả sen!”

Phân định được sao, lý với tình!

Người viết bài này thấu hiểu rằng chia là chia thế thôi. Chứ làm sao phân được tình và lý rời nhau. Những câu thơ trong tập thơ đã đong trong nó cả lý và tình. Người đọc tin chắc rằng những câu thơ trong bài “Phải chăng” sẽ làm ấm lòng những phụ nữ Việt Nam làm mẹ, làm vợ . Những người cả đời vì chồng, vì con mà không hề nghĩ về mình:

"Phải chăng trước gương em thoáng nét buồn/ tuổi trẻ xa rồi, nhan sắc đi đâu!/ Nhan sắc thành đời anh và các con không lớn/ Thành tháng ngày khuya sớm lo toan/ Thưở sinh đứa con đầu lòng/ em tháo vội chiếc áo len duy nhất, chiếc áo hồi môn một thời con gái/ để đan thành tấm áo nhỏ cho con/ Anh đã rét cái rét em trong mùa đông ấy/ ấm cái ấm của con suốt cả đời người..."

Hãy nghe để thấy không nên nói thêm gì ngoài một nụ hôn thầm cho vợ, cho mẹ, cho bà của mỗi chúng ta: “Năm tháng dắt em đi lên mẹ, lên bà, lấy khuya sớm nắng mưa đan thành mùa ấm lạnh/ lấy bước  nhỏ chân mình đo mọi chặng đường xa...”/.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục