Vụ tai nạn máy bay Airbus A321 của hãng hàng không giá rẻ Kogalymavia của Nga tại Ai Câp có nguy cơ gây tổn thất nặng cho các hãng vận tải hàng không, công ty lữ hành, các nhà sản xuất máy bay và công ty bảo hiểm.
Hiện các hãng hàng không Nga đã không bay qua khu vực chiếc máy bay của Kogalymavia bị rơi. Để thay đổi các tuyến đường, hãng hàng không Ural Airlines đã sử dụng các tuyến đường tránh khu vực tai nạn.
Hãng hàng không Nord Wind cũng có hành động tương tự, khiến hành khách lo ngại sẽ phải bay lâu hơn và phải trả thêm tiền. Tuy nhiên, các hãng hàng không vẫn trấn an hành khách sẽ không thay đổi giá vé.
Một số hãng hàng không của các nước khác đã từ chối bay qua khu vực trên ngay cả khi nhà chức trách Ai Cập tuyên bố sẽ bảo đảm an toàn.
Hãng hàng không Lufthansa (Đức) khẳng định sẽ tránh khu vực này cho đến khi tìm ra nguyên nhân tai nạn. Hãng hàng không Air France-KLM cũng đưa ra quyết định như vậy với lý do bảo đảm an toàn.
Các nhà sản xuất máy bay chở khách cũng không tranh khỏi những hậu quả kinh tế. Bất cứ thảm họa nào đều là "cú đòn" giáng mạnh vào các nhà chế tạo máy bay dù không phát hiện ra lỗi trực tiếp của nhà sản xuất. Họ không chỉ bị thiệt hại về hình ảnh mà các khách hàng tiềm năng cũng cân nhắc chuyển sang mua máy bay của đối thủ cạnh tranh.
Các chuyên gia cho rằng tương lai của Airbus hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả cuộc điều tra. Và nếu phát hiện ra lỗi kỹ thuật trong sản xuất, các công ty bảo hiểm sẽ buộc công ty chế tạo phải bồi thường.
Thảm họa máy bay Airbus A-321 cũng ảnh hướng đến ngành du lịch Hiệp hội các nhà kinh doanh tour du lịch Nga (ATOR) dự báo số lượng khách đặt các tour du lịch, cả trong và ngoài nước, sẽ giảm trong khoảng từ 2-3 tuần.
Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất là các hãng vận tải hàng không khi hình ảnh của họ chắc chắn bị ảnh hưởng trong bối cảnh các hãng hàng không vẫn đang phải đối phó với nhiều khó khăn./.