Vụ việc mỳ Hảo Hảo: Chuyên gia khuyến nghị cần làm chặt khâu hậu kiểm

Theo Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, chế tài xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng đã được nâng lên, song khâu yếu cần quan tâm khắc phục là công tác hậu kiểm.
Bộ Công Thương đang vào cuộc xác minh thông tin cảnh báo sự xuất hiện chất Ethylene Oxide trong một số sản phẩm mỳ Hảo Hảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau sự việc mỳ tôm Hảo Hảo của Acecook bị thu hồi tại Ireland, ngày 28/8, mỳ khô vị bò gà có tên tiếng Anh "Dried noodles with chicken- and beefspices"của Công ty Thiên Hương cũng bị thu hồi ở Na Uy.

Với sản lượng tiêu thụ hàng triệu gói mỳ mỗi năm, theo các chuyên gia, việc khẩn trương xác minh thông tin để từ đó tìm ra nguyên nhân chính là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ uy tín của thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp, đặc biệt là quyền lợi của khách hàng đang tiêu dùng sản phẩm này.

Qua vụ việc điển hình của hai doanh nghiệp trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có một số trao đổi với VietnamPlus về vấn đề An toàn thực phẩm - một trong những chủ đề nóng trong đời sống hiện nay.

- Trước vụ việc một số đối tác nhập khẩu nước ngoài đã gửi thông tin về việc xuất hiện chất Ethylene oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong 1 số sản phẩm mỳ Hảo Hảo, vậy theo ông Hội đã có ý kiến như thế nào để bảo vệ người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trước thông tin từ báo chí về việc Cục An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cho biết đã thu hồi một số sản phẩm mỳ ăn liền do có thành phần Ethylene oxide, trong đó có sản phẩm miến và mì tôm chua cay Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, thì nguyên nhân Cục An toàn thực phẩm Ireland thu hồi được cho là do sản phẩm mỳ Hảo Hảo và miến Good có Ethylene oxide. Đây là chất không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm tại châu Âu tuy không gây độc cấp tính, nhưng có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí có khả năng gây ung thư, nếu sử dụng thường xuyên trong thời gian dài. Theo các chuyên gia tại Việt Nam, Ethylene Oxide cũng là chất có nguồn gốc gây ung thư. 

[Bộ Công Thương nói về Ethylene oxide trong thực phẩm]

Tuy nhiên, Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 Quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật trong thực phẩm của Bộ Y tế, Ethylene oxide lại không có trong Phụ lục kèm theo.

Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, tại cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây cũng về vấn đề này, thay mặt Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tôi đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét bổ sung Ethylene oxide vào Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

- Vấn đề An toàn thực phẩm luôn diễn ra khá phức tạp trong thời gian qua, vậy theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi cho rằng công tác hậu kiểm tuy đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy mà tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn còn xảy ra.

Trong trường hợp này, không phải do công tác kiểm tra mà do Ethylene oxide là chất không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm tại châu Âu, nhưng ở Việt Nam lại không nằm trong phụ lục tại Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 Quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Do vậy, cơ quan chức năng cũng không thể kiểm tra và xử lý.

- Đã có nhiều quy định và chế tài để quản lý vấn đề An toàn thực phẩm, song đâu vẫn là khâu yếu cần khắc phục, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Về mặt quản lý nhà nước, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/02/2018 của Chính phủ đã phân công khá rõ ràng, cụ thể. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng đã được nâng lên. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, khâu yếu cần quan tâm khắc phục là công tác hậu kiểm cần tăng cường và làm thường xuyên.

- Vậy Hội có kiến nghị gì để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói chung, tôi kiến nghị các cơ quan có liên quan của Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra toàn bộ quá trình từ sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, quảng cáo thực phẩm. Đặc biệt là công tác hậu kiểm các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong trường hợp cụ thể này, theo tôi, mỳ ăn liền là sản phẩm thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, vì vậy cơ quan này cần chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra làm rõ.

Cụ thể, hai sản phẩm mỳ Hảo Hảo và miến Good bị Cục An toàn thực phẩm Ireland thu hồi do sản phẩm có Ethylene oxide, có đang lưu thông tại Việt Nam hay không? Nếu có thì xử lý thế nào?

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016, quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật trong thực phẩm, của Bộ Y tế, Ethylene oxide không có trong Phụ lục kèm theo. vì vậy, tôi đề nghị Bộ Y tế xem xét bổ sung vào Thông tư này.

Cuối cùng, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cần kịp thời công bố hai sản phẩm trên có cùng lô hàng với sản phẩm đang lưu thông tại thị trường Việt Nam hay không? Nếu có thì xử lý thế nào để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Nếu không cùng lô hàng, doanh nghiệp cũng cần thông báo để người tiêu dùng yên tâm, nhất là để hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đây cũng là việc cần thiết để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.

- Đại diện Acecook Việt Nam khẳng định họ không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất cứ công đoạn sản xuất nào. Vậy vì sao Ethylene oxide lại có mặt trong mì ăn liền?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu đúng như vậy là điều tốt. Còn vì sao Ethylene oxide lại có mặt trong mì ăn liền? Câu hỏi này, xin dành cho nhà sản xuất.

- Ông có thể cho biết, với những vụ việc tương tự như vụ việc này, người tiêu dùng nên ứng xử ra sao để tránh hoang mang và đảm bảo được quyền lợi của mình?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Trong hoạt động xuất nhập khẩu, những trường hợp tương tự đã từng xảy ra. Vấn đề ở đây là nhà sản xuất phải khẳng định sản phẩm của mình có an toàn cho sức khỏe không. Cơ quan chức năng cần kiểm chứng, trên cơ sở đó công bố công khai, minh bạch và hướng dẫn cho người tiêu dùng sử dụng, bảo đảm an toàn sức khỏe.

-  Xin cảm ơn ông!

Theo Luật an toàn thực phẩm Việt Nam, sản xuất thực phẩm là hoạt động kinh doanh có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục