WB: Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư

Các chuyên gia WB khuyến nghị trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá. Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư.

Xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng khá. (Ảnh: Vietnam+)
Xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng khá. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 19/6, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2024 với những nhận định đáng chú ý.

Xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng khá

Theo báo cáo, sản xuất công nghiệp tăng mạnh nhờ xuất khẩu cải thiện trong tháng Năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 tăng 2,6% so với tháng trước. Mức tăng này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực chế biến chế tạo như máy móc và thiết bị tăng 9,8% so với tháng trước, máy tính và sản phẩm điện tử tăng 2,2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, IIP tăng 8,9% so với mức 0,5% vào tháng 5/2023, do xuất khẩu mạnh hơn và hiệu ứng nền so sánh thấp so với năm ngoái.

Cũng theo WB, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành chế biến chế tạo vẫn duy trì ở mức 50,3 trong tháng Năm. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên, báo hiệu việc mở rộng sản xuất nhanh hơn trong những tháng tới.

Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa tăng 6,5% nhờ các sản phẩm công nghệ cao, trong khi tháng Tư ghi nhận mức giảm so với tháng Ba. Nhập khẩu trong tháng Năm tăng 9,5%, so với mức giảm -0,6% trong tháng Tư. So với cùng kỳ năm 2023, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt tốc độ tăng trưởng khá lớn, lần lượt là 15,8% và 29,9% trong tháng 5/2024, một phần do hiệu ứng nền so sánh thấp so với năm 2023. Tăng trưởng nhập khẩu cao hơn so với tăng trưởng xuất khẩu dẫn đến thặng dư thương mại giảm trong tháng Năm, nhưng cũng báo hiệu nhu cầu xuất khẩu tăng.

Đáng chú ý, cam kết FDI đạt 11,07 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2023, cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân FDI lũy kế cũng đạt 8,3 tỷ USD, cao hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Chế biến/chế tạo và bất động sản vẫn là hai lĩnh vực vẫn duy trì là những ngành thu hút được nhiều FDI nhất.

doanh số bán lẻ.JPG

Trong khi lạm phát toàn phần không thay đổi, lạm phát cơ bản có giảm nhẹ. Lạm phát CPI tháng Năm ghi nhận mức 4,4% (so cùng kỳ năm trước), tương đương với tháng Tư. Mặc dù giao thông vận tải (bao gồm cả giá xăng dầu) tiếp tục tăng tỷ trọng đóng góp vào CPI nhưng thực phẩm và nhà ở vẫn là những yếu tố chính. Lạm phát cơ bản trong tháng 5/2024 giảm nhẹ xuống còn 2,8% (so với cùng kỳ năm trước) từ mức 2,7% của tháng Tư.

Tỷ giá tiếp tục chịu áp lực

Các chuyên gia cũng để cập đến câu chuyện tỷ giá biến động và chịu áp lực thời gian qua. Tỷ giá thị trường VND/USD tăng 8% so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 5/2024. Lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng nhẹ lên 4,3% trong tháng Năm, so với mức 4% trong tháng Tư, phản ánh chính sách thắt chặt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi nguồn thu tiếp tục được cải thiện thì chi tiêu công lại chậm lại. Thu ngân sách tăng lên trong tháng Năm, đạt 898.400 tỷ đồng (52,8% dự toán) và lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu công chậm lại và đạt khoảng 656.700 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2024, bằng 31% dự toán, chỉ cao hơn 0,5% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân đầu tư công ước đạt 148.300 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

vcb.jpg
Tỷ giá tiếp tục chịu áp lực. (Ảnh: Vietnam+)

Để hỗ trợ tiêu dùng, ngày 23/4, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian ưu đãi giảm thuế VAT đến hết năm 2024 thay vì đến hết tháng 6 năm 2024. Để khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành văn bản số 4462/NHNN-CSTT ngày 30/5/2024 đề nghị các tổ chức tín dụng nỗ lực phấn đấu để hạ lãi suất cho vay 1%-2%.

Các chuyên gia WB khuyến nghị, trong khi cầu quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi thì diễn biến của cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn. Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá. Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục