Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã một lần nữa coi cuộc khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất của thế giới trong dài hạn và đại dịch COVID-19 là rủi ro lớn nhất trong trung hạn.
Trong "Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2022" của WEF công bố ngày 11/1, tổ chức này đã tiến hành đánh giá những mối đe dọa lớn nhất ở phạm vi quốc tế về khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các tác động.
Trong thời gian ngắn hạn (trong vòng 24 tháng tới), báo cáo đã nhận định thời tiết cực đoan là rủi ro lớn nhất trên toàn cầu, tiếp theo là cuộc khủng hoảng sinh kế do COVID-19 và những rủi ro do không hành động về khí hậu.
Báo cáo gần đây của tổ chức từ thiện Christian Aid (Anh) cũng kết luận rằng tổn thất về tài chính do thời tiết cực đoan trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ lên mức kỷ lục, khi lũ lụt tại châu Âu đã gây thiệt hại lên tới 43 tỷ USD, trong khi bão Ida tại Bắc Mỹ và các cơn bão tại châu Á đã lần lượt gây tổn thất ở mức 65 tỷ USD và 24 tỷ USD.
[Năng lượng tổng hợp hạt nhân - lời giải cho biến đổi khí hậu]
Trong giai đoạn trung hạn (từ năm 2024-2027), WEF đã đưa rủi ro do không hành động về khí hậu lên vị trí đầu tiên, tiếp đó là thời tiết cực đoan và tình trạng suy yếu gắn kết xã hội.
Kết quả khảo sát các nhà phân tích và chuyên gia toàn cầu của WEF cho thấy chỉ có 10% những người được hỏi tin rằng phục hồi toàn cầu sau COVID-19 sẽ tăng tốc trong ngắn hạn và trung hạn.
Mối quan ngại lớn nhất là việc điều chỉnh chính sách không đồng đều nhằm đạt các mục tiêu khí hậu, tình trạng bất bình đẳng trong các biện pháp tiếp cận tài chính và y tế công trong đại dịch.
Các dự báo ngắn hạn và trung hạn trong năm 2022 đều xem trọng các mối đe dọa về môi trường hơn so với báo cáo về rủi ro toàn cầu năm 2021 của WEF.
Nguyên nhân một phần là do việc triển khai thành công công tác tiêm phòng COVID-19 và cơ chế xét nghiệm tại một số quốc gia, qua đó giảm bớt quan ngại về khía cạnh y tế công của đại dịch.
Về dài hạn (từ năm 2027-2032), ngoài rủi ro về khí hậu, WEF cũng nêu bật mối đe dọa về đa dạng sinh học.
Các nhà khoa học đều nhất trí rằng Trái Đất đang có nguy cơ đối mặt với sự kiện sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 nếu thiếu các nỗ lực giúp chấm dứt và đảo ngược các tổn hại về hệ sinh thái.
Trong khi đó, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP 15) hiện đã đi được nửa chặng đường, với việc các quốc gia đã nhất trí về một hiệp định tự nhiên tương tự như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Giám đốc phụ trách vấn đề rủi ro của tập đoàn bảo hiểm Zurich, Peter Giger nhận định cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn là mối đe dọa lớn nhất trong dài hạn mà nhân loại đang đối mặt.
Việc thất bại trong hành động về khí hậu sẽ có nguy cơ khiến Tổng sản phẩm toàn cầu (GDP) giảm 16,7%, trong khi những cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C.
Theo ông, chính phủ và các doanh nghiệp vẫn còn thời gian để hành động để ngăn chặn rủi ro, tiến hành chuyển đổi một cách quyết tâm, toàn diện và sáng tạo để bảo vệ người dân và các nền kinh tế.
Tham gia nghiên cứu trên của WEF có Đại học Oxford, Đại học quốc gia Singapore, Đại học Pennsylvania, Tập đoàn bảo hiểm Zurich, SK Group và Marsh McLennan.
Báo cáo trên được công bố một tuần trước khi WEF chủ trì hội nghị thường niên tại Davos (Thụy Sĩ).
Tuy nhiên, cuối năm ngoái, WEF thông báo hoãn hội nghị thường niên dự kiến diễn ra vào tháng này sang mùa Hè do diễn biến khó lường của dịch COVID-19 liên quan đến biến thể Omicron./.