Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến sỹ Tedros Adhanom Dhebreyesus đã trao chứng nhận Loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết cho đại diện ba quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Việt Nam, Palau, Wallis và Futuna.
Như vậy nâng tổng số nước đã công bố loại trừ bệnh này trong khu vực Tây Thái Bình Dương lên tới con số 11 nước.
[Bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại Kon Tum, đã có hai trường hợp tử vong]
Bệnh giun chỉ bạch huyết do một số loài giun chỉ bạch huyết gây nên và được lây truyền bởi muỗi, rất phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới do điều kiện khí hậu nóng ẩm.
Tại Việt Nam, bệnh giun chỉ bạch huyết đã được biết đến từ lâu và đã từng là một trong những bệnh gây tàn phế hàng đầu cho người mắc bệnh.
Đại diện Bộ Y tế Việt Nam, bà Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam đã lên nhận chứng chỉ. Đây cũng là lần thứ 2 Việt Nam được công nhận loại trừ một bệnh truyền nhiễm tiếp theo của công bố loại trừ bệnh bại liệt vào năm 2000.
Trước năm 1975, bệnh giun chỉ bạch huyết lưu hành rộng rãi trên toàn quốc, một số vùng có tỷ lệ nhiễm cao từ 5-10% dân số và có số lượng đáng kể phù chân voi, gây đau đớn, tàn tật do biến chứng và ảnh hưởng tới thẩm mỹ, khó hòa nhập cộng đồng của người bệnh.
Giai đoạn từ 1976 -2002, với các tiến bộ về chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh thì tỷ lệ mắc đã giảm xuống đáng kể chỉ còn 1-3% tại các vùng lưu hành nặng.
Từ năm 2002, Chương trình Loại trừ giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam đã được triển khai và thực hiện trên toàn quốc theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, để điều tra lập bản đồ dịch tễ, tổ chức điều trị toàn dân tại các vùng dịch tễ, tiến hành các vòng điều tra về sự lan truyền bệnh giun chỉ bạch huyết và đánh giá kết quả thực hiện theo các tiêu chí của WHO. Kết quả từ năm 2013 - 2016 đã không phát hiện trường hợp nào dương tính.
Năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và thấy rằng Việt Nam đã loại trừ giun chỉ bạch huyết đạt tiêu chuẩn của WHO và lập hồ sơ gửi đánh giá công nhận Việt Nam loại trừ giun chỉ bạch huyết.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trước đây, Việt Nam là quốc gia có lưu hành bệnh giun chỉ bạch huyết với hàng triệu người dân sống trong vùng có nguy cơ. Với sự hỗ trợ của WHO và các đối tác, sự nỗ lực của hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, đến nay Việt Nam đã đạt được mục tiêu Loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tiến hành các bước giám sát đánh giá sau khi được công nhận loại trừ theo hướng dẫn của WHO để duy trì được thành quả trên./.