World Cup 2022: Dấu mốc đáng nhớ của các đội tuyển Arab

Mặc dù còn quá sớm để nói về thành công của các đội Arab tại World Cup năm nay, song có thể nhận định rằng đây sẽ là kỳ World Cup đáng nhớ đối với người hâm mộ ở các nền bóng đá Arab.
World Cup 2022: Dấu mốc đáng nhớ của các đội tuyển Arab ảnh 1Ngày 20/11/2022, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2022 khai màn tại Qatar. (Ảnh: THX/TTXVN)

Qatar đã làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên tổ chức giải đấu thể thao lớn nhất thế giới. Một số ý kiến còn cho rằng đây sẽ là một giải đấu lịch sử của các đội bóng trong khu vực.

Số đội tuyển Arab đủ điều kiện tham dự vòng chung kết World Cup có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Các kỳ World Cup 2002 và 2006 có 2 đại diện Arab là Saudi Arabia và Tunisia.

Trong 2 giải đấu tiếp theo, Algeria là đại diện duy nhất. World Cup 2018 đã có 4 quốc gia Arab góp mặt và đến năm nay con số đó vẫn được duy trì, gồm Qatar, nước tham gia với tư cách quốc gia đăng cai cùng với Maroc, Saudi Arabia và Tunisia.

Năm nay, màn trình diễn nổi bật thuộc về Saudi Arabia, đội đã giành chiến thắng 2-1 trước đối thủ từng 2 lần vô địch World Cup là Argentina. Thành tích này là chưa từng có đối với các đội bóng Arab.

Maroc và Tunisia cũng lần lượt cầm hòa trước các đội mạnh hơn là Croatia và Đan Mạch.

Điều đáng ghi nhận là sức cạnh tranh của các đội tuyển Arab tại vòng chung kết World Cup đang ngày càng được cải thiện.

Một phân tích dữ liệu trong 2 thập kỷ qua cho thấy số điểm mà các đội Arab giành được ở vòng bảng đã tăng lên: chỉ 1 điểm vào năm 2002 và 2010, 2 điểm vào năm 2006, 4 điểm vào năm 2014 và 7 điểm vào năm 2018.

Năm nay, 4 đội Arab hiện đã giành được 5 điểm ở vòng bảng, trong khi họ vẫn còn 2 lượt đấu phía trước.

Như vậy, việc phá kỷ lục này thực sự nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, một giải đấu loại trực tiếp như World Cup không chỉ có việc giành điểm.

Các đội Arab năm nay đều đặt nhiều hy vọng tiến sâu trong giải đấu, ít nhất là lọt vào vòng 16 đội, tương tự thành tích của Algeria năm 2014 , Saudi Arabia năm 1994 và Maroc năm 1986.

[Niềm vui chiến thắng của Saudi Arabia lan tỏa khắp thế giới Arab]

Sự cải thiện về thành tích của các đội tuyển Arab không phải là ngẫu nhiên. Thành công này bắt nguồn từ hai xu hướng tiếp cận.

Cách tiếp cận thứ nhất, thường được các đội Arab ở Bắc Phi sử dụng, liên quan đến việc chiêu mộ cầu thủ mang hai quốc tịch và cầu thủ từ các cộng đồng hải ngoại trên khắp châu Âu.

Những cầu thủ này thường được hưởng lợi từ nền giáo dục bóng đá tại một số học viện tốt nhất của châu Âu và tiến bộ ngay từ khi còn nhỏ để chơi ở cấp độ cạnh tranh cao nhất. Đại diện tiêu biểu của cách tiếp cận này này Maroc.

Lấy ví dụ như Munir El Haddadi, cầu thủ ở hàng công của đội tuyển Maroc, sinh ra ở Tây Ban Nha và trải qua các lò đào tạo trẻ của Câu lạc bộ Atletico Madrid trước khi chuyển đến Câu lạc bộ Barcelona.

Cầu thủ này ban đầu thi đấu trong màu áo Tây Ban Nha ở cấp độ quốc tế trước khi chuyển sang đầu quân cho Maroc vào năm 2021.

Điều tương tự cũng xảy ra với các ngôi sao khác của Maroc. Achraf Hakimi sinh ra ở Tây Ban Nha và Hakim Ziyech sinh ra ở Hà Lan.

Càng ngày, các đội Bắc Phi càng trở nên nhanh nhạy hơn trong việc phát hiện ra những tài năng này và kết hợp họ thành một đội gắn kết và thống nhất có thể cạnh tranh với các đội bóng lớn.

Cách tiếp cận khác là đầu tư lớn và dài hạn vào hệ sinh thái bóng đá trong nước, vốn được các quốc gia vùng Vịnh ưa chuộng.

Qatar và Saudi Arabia đã bắt đầu hưởng “trái ngọt” khi đi theo hướng này. Saudi Pro League, giải bóng đá hàng đầu của Saudi Arabia, chỉ trở thành giải chuyên nghiệp hoàn toàn vào năm 2007.

World Cup 2022: Dấu mốc đáng nhớ của các đội tuyển Arab ảnh 2Niềm vui của các cầu thủ Saudi Arabia sau khi ghi bàn thắng vào lưới Argentina ngày 22/11. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy một thập kỷ, giải đấu đã được FIFA được xếp hạng là giải đấu quốc gia đứng thứ 27 trên thế giới, xếp trên các giải bóng đá lâu đời hơn ở Chile, Đan Mạch và Ai Cập.

Điều này đạt được nhờ đầu tư vào cả nguồn nhân lực (huấn luyện viên và cầu thủ từ nước ngoài để cải thiện chất lượng tổng thể) và cơ sở hạ tầng (cơ sở đào tạo và sân vận động).

Với Qatar, nước này thành lập Học viện Aspire năm 2004 với mục tiêu thực hiện tầm nhìn phát triển thể thao cho quốc gia, thu hút và nuôi dưỡng các tài năng từ 5 tuổi.

Học viện ước tính trị giá 1,3 tỷ USD và được thành lập bởi huyền thoại bóng đá Pele, nhận được nhiều lời khen ngợi từ các ngôi sao khác, chẳng hạn như Zinedine Zidane.

Có 18 học viên đã tốt nghiệp tại Aspire, trong đó có 10 người nằm trong đội hình vô địch Asian Cup 2019 và tạo nên nòng cốt đội hình 26 người của Qatar tại World Cup 2022.

Mặc dù còn quá sớm để nói về thành công của các đội Arab tại World Cup năm nay, song có thể nhận định rằng đây sẽ là kỳ World Cup đáng nhớ đối với người hâm mộ ở các nền bóng đá Arab.

Giải đấu này cũng sẽ mang lại nhiều cảm hứng cho các thế hệ cầu thủ Arab trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục