WTO đề cao vai trò thương mại cải thiện cuộc sống

Ngày 18/4, Tổng Giám đốc WTO nêu rõ kinh doanh buôn bán giúp cải thiện cuộc sống của dân trên thế giới trong thời kỳ đầy biến động.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 18/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy nêu rõ kinh doanh buôn bán đã giúp cải thiện thực sự cuộc sống của người dân trên thế giới trong bối cảnh thế giới đã bước vào thời kỳ đầy biến động trong thế kỷ 21 về công nghệ, địa chính trị, thương mại và các tiêu chuẩn xã hội.

Phát biểu trước báo giới, ông Lamy khẳng định thương mại vẫn chiếm một vị trí trung tâm của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù thương mại thế giới tăng trưởng chậm lại đáng kể song tổng giá trị buôn bán toàn cầu đã đạt kỷ lục 18.000 tỷ USD trong năm 2011. Mọi chính phủ trên thế giới đều coi thương mại là lựa chọn hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm mới.

Tuy nhiên, tính chất cũng như cách thức buôn bán đã có nhiều thay đổi lớn. Hàng hóa ngày nay không còn sản xuất ở một nước mà là sự hợp thành của dây chuyền sản xuất toàn cầu và được lắp ráp từ những bán thành phẩm được sản xuất từ nhiều nước. Buôn bán hàng hóa trung gian là khu vực năng động nhất của thương mại quốc tế với mức tăng trưởng trung bình 6% hàng năm.

Thay đổi trong thương mại quốc tế đang là một nhu cầu cấp thiết. Nếu 20 năm trước đây, thành phần nhập khẩu trong hàng hóa xuất khẩu chỉ chiếm 20% thì nay đã tăng tới 40%. Hơn 50% hàng công nghiệp xuất khẩu toàn cầu gồm các thành phần bán thành phẩm được sản xuất ở nhiều nước. Ở châu Á, tỷ lệ này lên tới hơn 70%. Tiếp cận các thành phần nhập khẩu trong dây chuyền giá trị toàn cầu sẽ có giá thành rẻ nhất và có tầm quan trọng sống còn để các công ty duy trì lợi thế cạnh tranh.

Tổng Giám đốc WTO cũng nhấn mạnh mặc dù WTO mới được khởi động chỉ 6 năm trước đây nhưng các quy chế toàn cầu cần coi trọng nhiều hơn các nước đang phát triển và cần hiện đại hoá để phản ánh tốt hơn phương thức kinh doanh mới trong thế kỷ 21. Tìm kiếm các biện pháp thay đổi các quy chế để kinh doanh tốt hơn cũng như các phương thức kinh doanh thích hợp thực sự đang là thách thức lớn của thương mại toàn cầu hiện nay.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa kinh doanh buôn bán và tạo việc làm là một quan hệ phức tạp. Trong khi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhấn mạnh những thành quả kinh doanh có tác động tích cực đến việc làm cả về số lượng và chất lượng, Ngân hàng Thế giới đánh giá các nước mở cửa buôn bán có nhịp độ tăng trưởng kinh doanh nhanh hơn gấp 3 lần so với các nước từ chối giao dịch với nước ngoài. Trong khi đó, việc làm gắn với xuất khẩu thường sẽ được trả lương cao hơn.

Cũng theo ông Lamy, nhân loại đang sống trong thế giới thay đổi nhanh hơn bất cứ giai đoạn lịch sử nào trước đây và phải thích nghi với những thay đổi này. Do đó, nền kinh tế toàn cầu cần đảm bảo rằng các quy chế và thực tiễn phải thích hợp với tình hình mới. Đây là lý do giải thích vai trò của WTO và các tổ chức đa phương khác ngày càng quan trọng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục