Quy hoạch Thủ đô: Đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng

Xác định Quy hoạch sông Hồng là trục cảnh quan của Thủ đô Hà Nội

Về khớp nối của sông Hồng trong quy hoạch chung, cùng với 4 trục, trục cảnh quan sông Hồng sẽ là cảnh quan chính, mang yếu tố quyết định cho vấn đề cảnh quan, giao thông cũng như phát triển đô thị.
Xác định Quy hoạch sông Hồng là trục cảnh quan của Thủ đô Hà Nội ảnh 1Về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Thành ủy với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố năm 2023, ngày 9/8, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết về định hướng, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ được tập trung cho một số vấn đề: Xác định yếu tố văn hiến, văn minh, hiện đại.

Nhà chức trách sẽ tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan và các tổ chức, cá nhân, các bộ ngành trong khoảng tháng 9 và nửa đầu tháng 10/2023; dự kiến báo cáo Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2023. Theo tiến độ này, trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền, Hà Nội sẽ kết hợp cùng điều chỉnh Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp 9, 10/2023.

Đô thị Hà Nội sẽ quay mặt vào sông

Liên quan tới quy hoạch sông Hồng, theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, để cụ thể hóa Quyết định 1259/QĐ-TTg, Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt phân khu R năm 2021 với định hướng phát triển về mặt cảnh quan, văn hóa, giao thông và khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên.

Sông Hồng kết hợp với các trục Hồ Tây-Ba Vì, Hồ Tây-Cổ Loa, Nhật Tân-Nội Bài và trục phía Nam Hà Nội sẽ trở thành 5 trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch tới đây. Như vậy, trong thời gian tới, sông Hồng sẽ trở thành sông nằm giữa đô thị phía Bắc-Nam Hà Nội, đi qua trung tâm của thành phố.

“Về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông. Đây là nội dung đã được Bí thư Thành ủy chỉ đạo cũng như truyền tải đến các chuyên gia trong tổ tư vấn để triển khai trong thời gian tới,” ông Kỳ Anh cho hay.

[Sớm thông xe 2 dự án giao thông trọng điểm]

Về tiến độ, dù đã có quy hoạch sông Hồng song các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần triển khai, rà soát để đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc khoanh vùng phạm vi ranh giới khu vực hành lang thoát lũ để sớm trình duyệt các quy hoạch chi tiết 2 bên sông.

Về khớp nối của sông Hồng trong quy hoạch chung, trục cảnh quan sông Hồng sẽ là cảnh quan chính, mang yếu tố quyết định trong việc phát triển đô thị của 2 bên sông trong thời gian tới.

Xác định Quy hoạch sông Hồng là trục cảnh quan của Thủ đô Hà Nội ảnh 2Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thông tin về quy hoạch sông Hồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự kiến cùng với tiến độ phê duyệt giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông. Trong quá trình triển khai sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và đặc biệt cần sự tham gia, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cấp.

Dự án chây ì: Sẽ thu hồi giấy phép đầu tư

Liên quan tới các dự án “treo,” chậm triển khai trên địa bàn và các tranh chấp tại các nhà chung cư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân thông tin, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai. Nguyên nhân do quy hoạch, năng lực nhà đầu tư; khi sáp nhập địa giới hành chính phải điều chỉnh quy hoạch… "Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo rà soát, xử lý dự án chậm triển khai trên địa bàn," ông nói.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tháng 7/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có báo cáo và đến nay, đã xử lý đưa ra khỏi danh sách 419 dự án chậm triển khai. Hiện còn 293 dự án cần xử lý trong thời gian tới. Mục tiêu đến hết tháng 11/2023, cơ bản giải quyết xong.

Đến hết tháng 11/2023, nếu nhà đầu tư không thực hiện hoặc cố tình chây ì sẽ kiên quyết hủy bỏ, thu hồi giấy phép đầu tư. Thời gian tới, Sở Quy hoạch Kiến trúc tăng cường giám sát dự án đầu tư, xử lý dự án chậm muộn và khớp nối hạ tầng, công trình hạ tầng xã hội…để các dự án khi triển khai phát huy được hiệu quả, đồng thời, đưa ra quy trình để kịp thời phát hiện dự án chậm triển khai để có giải pháp xử lý ngay.

Liên quan tới các dự án xây dựng nhà ở, theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, hiện Hà Nội có 1.135 tòa chung cư đã đưa vào sử dụng và có 132 chung cư xây dựng trước thời điểm Luật Xây dựng nhà ở năm 2005. Đến nay, đã có 820 tòa đã thành lập được Ban Quản trị.

Trong quá trình thực hiện, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố đã quan tâm chỉ đạo việc quản lý, vận hành các nhà chung cư trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý, vận hành vẫn còn khó khăn, bất cập.

“Đây là những vấn đề liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng chủ đầu tư có vi phạm; chưa thực hiện công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa người dân vào ở gây khó khăn cho quản lý, vận hành, gây xung đột lợi ích, chậm bàn giao quỹ bảo trì... Những vấn đề này tại một số chung cư và địa phương chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, nên đã xảy ra tranh chấp tại một số chung cư thời gian qua,” ông Phong cho hay.

Xác định Quy hoạch sông Hồng là trục cảnh quan của Thủ đô Hà Nội ảnh 3Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm rõ về quản lý các chung cư trên địa bàn Thành phố. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thời gian tới Hà Nội chỉ đạo thực hiện 4 giải pháp, trong đó tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan rà soát vấn đề bất cập trong Luật nhà ở, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn để góp ý, bổ sung trong quá trình điều chỉnh Luật nhà ở.

Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương để nắm bắt, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh từ cơ sở trong công tác quản lý, vận hành. Các Sở chuyên ngành thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Chủ đầu tư, Ban Quản trị, chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Chủ đầu tư, Ban Quản trị thực hiện nghiêm quy định liên quan quản lý về trật tự xây dựng, vận hành…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục