Xây đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân ở Hà Nội

Đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, khởi công xây dựng ngày 17/3, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, trên diện tích 1.100m2, bên ngoài Di lăng của Bà.
Ngày 17/3, Hội Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội phối hợp với thành phố Hà Nội khởi công xây dựng Đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Là hạng mục quan trọng nhất của dự án Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, Đền thờ được xây dựng trên diện tích hơn 1.100m2, bên ngoài Di lăng của Bà - đã hoàn thành tu bổ vào tháng 2 vừa qua.

Đền thờ có mặt bằng chữ Đinh, bên trong đặt tượng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, tượng vua Quang Trung và hai con, cùng bàn thờ thân phụ và thân mẫu Hoàng hậu.

Đây là việc làm ý nghĩa, thể hiện tấm lòng trân trọng của thế hệ hôm nay với người con gái tài hoa đất Thăng Long.

Lê Ngọc Hân là công chúa con vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người làng Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Bà được lịch sử ghi lại là người phụ nữ tài sắc hơn người, năm 16 tuổi được gả cho bậc hào kiệt Nguyễn Huệ, gắn với sự nghiệp ngắn ngủi nhưng oanh liệt của người anh hùng áo vải cờ đào.

Sau sáu năm chung sống, năm 1792, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ băng hà để lại Hoàng hậu Ngọc Hân mới 22 tuổi và một hoàng tử, một công chúa còn thơ dại giữa thời ly loạn, rối ren.

Bà mất khi mới 29 tuổi, hai con bà là Hoàng tử Quang Đức mất khi mới 11 tuổi và Công chúa Ngọc Bảo mất khi mới 13 tuổi.

Cuộc đời của một công chúa tài hoa, thông minh đức hạnh đến một hoàng hậu nhân từ, sắc sảo tuy ngắn ngủi nhưng Lê Ngọc Hân đã trở thành một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hóa của dân tộc./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục