Ngày 23/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Bộ quy tắc ứng xử đối với về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, lần đầu tiên vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc được đề cập đến trong Bộ Luật Lao động năm 2012, trong đó hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi nghiêm cấm.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một hình thức phân biệt đối xử giới tính làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, sự bình đẳng giữa người lao động nam và nữ. Nếu vấn đề này không được giải quyết có thể dẫn đến giảm năng suất lao động, tạo sự bất công trong lao động.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào đề cập đến vấn đề này một cách cụ thể và rõ ràng. Vì vậy, việc xây dựng Bộ quy tắc với những khuyến nghị chung, phù hợp với quy định trong Bộ Luật Lao động cũng như bối cảnh văn hóa Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, góp phần phát triển mối quan hệ lao động hài hòa, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, an toàn.
Bà Lisa Wong, chuyên gia cao cấp của ILO cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử đối với vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bộ quy tắc giúp các doanh nghiệp, người lao động và tổ chức công đoàn nhận diện rõ ràng, cụ thể về hành vi quấy rối tình dục, phạm vi và các thủ tục, quy trình xử lý phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Theo các đại biểu, hành vi quấy rối tình dục biểu hiện dưới nhiều hình thức, có thể là lời nói... Phần lớn nạn nhân chỉ tìm kiếm sự trợ giúp khi bị quấy rối nghiêm trọng và lâu dài, còn thông thường họ sẽ im lặng, nghỉ việc hoặc chuyển chỗ làm mà không dám tố cáo do e sợ và xấu hổ.
Do vậy, việc ra đời Bộ quy tắc là điều cần thiết nhằm cung cấp cho người sử dụng lao động, người lao động và công đoàn cách phòng, chống và giải quyết có hiệu quả tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trong Bộ quy tắc cần cụ thể hóa về cách làm, thủ tục xử lý các hành vi sai trái./.