Tiếp tục chuyến công tác kiểm tra, xử lý các khó khăn, vướng mắc cho các dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương, chiều 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đạm Ninh Bình để kiểm tra, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại nhà máy này.
Cùng đi có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đầu tư tại tỉnh Ninh Bình, có công suất thiết kế 560.000 tấn đạm urê/năm; tổng vốn đầu tư sau 2 lần điều chỉnh hơn 667 triệu USD, tương đương 10.800 tỷ đồng, sau đó Tập đoàn Hóa chất đề nghị quyết toán đầu tư hơn 12.400 tỷ đồng.
Sau 10 năm đưa vào vận hành, sản xuất, nhà máy liên tiếp thua lỗ, lũy kế lên hơn 7 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, chưa hoàn thành quyết toán do một số vướng mắc trong thực hiện hợp đồng và vấn đề tài chính…
Tuy nhiên, từ năm 2021, hoạt động của nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã hoạt động có lãi. Theo đó, năm 2021 Công ty giảm lỗ 1.674 tỷ đồng so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022, Công ty đã có lãi xấp xỉ 700 tỷ đồng; dự kiến cả năm 2022 lợi nhuận đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
[Nhà máy đạm Ninh Bình khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất]
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đạm Ninh Bình, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu cho rằng những yếu kém xảy ra tại Nhà máy Đạm Ninh Bình tương tự dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc.
Theo đó, việc lập, triển khai dự án xây dựng nhà máy tính toán chưa sát thực tế, không sát tình hình, nhất là chưa lường được khi có diễn biến xấu; vốn vay lớn khiến chi phí tài chính lớn; sau khi dự án đi vào hoạt động giá nguyên nhiên liệu tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng...
Để khắc phục, yếu kém tại Nhà máy Đạm Ninh Bình, phần lớn các đại biểu cho rằng cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đề nghị tái cơ cấu nợ vay để bảo đảm giảm thiểu thiệt hại cho tất cả các bên. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng lưu ý Công ty lưu ý vận hành nhà máy thật sự hiệu quả; xử lý môi trường thật tốt vì là cơ sở hóa chất nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua Chính phủ, các cấp, ngành đã nỗ lực giải quyết, xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Đến nay đã xử lý được 4 tổ chức tín dụng yếu kém, 5 dự án thua lỗ kéo dài, ngoài ra còn xử lý một số dự án khác như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2... Chính phủ tiếp tục nỗ lực để xử lý các dự án còn lại và có thể có những dự án phát sinh.
Đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình là 1/12 dự án yếu kém, thua lỗ. Dự án có nhiều điểm chung như dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc. Nhờ nỗ lực của Công ty và tình hình thị trường có biến đổi nên trong 2 năm nay Nhà máy sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển, Công ty đã có lãi; có tín hiệu, hy vọng phát triển.
Nguyên nhân của thua lỗ do có những sai phạm, yếu kém trong lập, phê duyệt, tổ chức giám sát, thi công dự án nên đội giá đầu vào khiến giá sản phẩm tăng cao, sức cạnh tranh trên thị trường yếu; việc hoàn vốn, trả nợ chậm, “lãi mẹ đẻ lãi con.”
Hiện, Công ty phải đối mặt nhiều công việc khó khăn như giải quyết tranh cấp trong thực hiện hợp đồng EPC; làm thế nào để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, không tiếp tục thua lỗ; lo trả nợ vốn vay hết kỳ hạn; đổi mới tổ chức quản lý, sản xuất giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh; xử lý tốt các khâu sản xuất, xả thải, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường; ổn định công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động của Công ty...
Thủ tướng đánh giá tình hình thời gian tới, nhu cầu thị trường vẫn có; trong khi ngành hóa chất phải vững mạnh để góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ; sau một thời gian vận hành, Công ty đã có kinh nghiệm hơn trong vận hành nhà máy; nếu xử lý tốt các vướng mắc có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty khẩn trương xây dựng đề án theo tinh thần tái cơ cấu đơn vị, trong đó có tái cơ cấu vốn vay, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 8/2022, thực sự chất lượng, khả thi. Trong đó phân tích rõ vấn đề nào, thuộc thẩm quyền của bộ, ngành đơn vị nào giải quyết và phương pháp, thời hạn hoàn thành là khi nào.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tiếp tục phối hợp giải quyết nhanh tranh chấp hợp động EPC với đối tác nước ngoài; tổ chức lại quản lý sản xuất, giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm; khảo sát, đánh giá tác động môi trường, xử lý triệt để các vấn đề liên quan khí thải, nước thải, xây dựng Nhà máy Đạm Ninh Bình xanh, sạch, đẹp, trước mắt là nâng cốt nền để Nhà máy không bị ngập khi có mưa lớn; ổn định công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân với đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tỉnh Ninh Bình cùng chung tay phối hợp xử lý các vấn đề của Nhà máy, nhất là về môi trường và theo các ý kiến của cử tri. Tập đoàn Than-Khoáng sản đảm bảo nguồn nguyên nhiên liệu than ổn định cho Nhà máy Đạm Ninh Bình. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, tiếp tục thanh, kiểm tra làm rõ trách nhiệm, xử lý, đề xuất xử lý theo đúng quy định.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, chỉ đạo thực hiện xử lý các tồn tại, yếu kém của Nhà máy Đạm Ninh Bình và 4 dự án thua lỗ, yếu kém khác trong số 7 dự án còn lại để trình Bộ Chính trị đúng thời gian.
“Chúng ta chọn làm từ dễ đến khó, đi từ đơn giản đến phức tạp, đi từ thấp đến cao, nhỏ đến lớn; xử lý dứt điểm, hiệu quả các dự án thua lỗ, yếu kém,” Thủ tướng nhấn mạnh./.