Là 1 trong 12 "dự án nghìn tỷ" bị thua lỗ, hoạt động yếu kém cần được tái cơ cấu, Nhà máy đạm Ninh Bình sau khi được Bộ Công Thương bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang từng bước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh để tạo dựng uy tín.
Ông Bùi Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình cho biết kể từ khi đi vào hoạt động, Đạm Ninh Bình đã từng bước tăng dần phụ tải hệ thống từ 85% lên 100% công suất thiết kế và đã có sản phẩm urê chất lượng cao. Có thời điểm hệ thống đã vận hành đạt 105% công suất thiết kế.
Từ tháng 10/2018 đến hết tháng 7/2019, công ty đã vận hành chạy lò khí hóa Shell 245 ngày liên tục.
Theo ông Thắng, mặc dù nhà máy đã cơ bản làm chủ công nghệ, vận hành tốt hệ thống nhưng việc chạy máy chưa đạt như thiết kế do thời gian sửa chữa, bảo trì hệ thống kéo dài, xuất phát từ việc thiếu đầu tư thiết bị dự phòng.
Về vấn đề tiêu thụ, ông Thắng cho hay doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, hiện đã tiêu thụ trên 1,88 triệu tấn urê và trên 106.000 tấn NH3.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung urê đã vượt xa cầu tiêu thụ, khiến thị trường cung ứng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, giá urê giảm thấp. Công ty cũng đang tập trung chuyển hướng bán cho các nhà sản xuất NPK hoặc làm keo, gia công bán urê rời thay cho urê nhập khẩu để tăng sản lượng tiêu thụ. Dù cố gắng bám sát thị trường, nhưng do giá urê có nhiều thời điểm liên tục giảm thấp, nên việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn.
Bình luận về thực trạng của Đạm Ninh Bình, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình đang sở hữu dây chuyền sản xuất có công nghệ và khả năng vận hành tương đối tốt.
Bên cạnh đó, mặc dù thị trường đang cạnh tranh gay gắt, hiện tượng tổng cung lớn hơn tổng cầu, nhưng sản phẩm của Đạm Ninh Bình vẫn tiêu thụ được. Do đó, những khó khăn mà Đạm Ninh Bình gặp phải có nguyên nhân xuất phát từ những vấn đề tài chính. Cụ thể là suất đầu tư quá cao và chi phí tài chính lớn.
Chỉ ra những vấn đề vướng mắc, Tổng giám đốc Bùi Văn Thắng cho biết doanh nghiệp đang thiếu vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh; thiếu than cho sản xuất và giá than tăng cao; thiếu vật tư dự phòng; tình trạng lao động thiếu và yếu; nguồn cung urê sản xuất trong nước và nhập khẩu lớn hơn nhu cầu thị trường.
"Đạm Ninh Bình đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, nhưng không vì thế mà tập thể lãnh đạo, cán bộ và công nhân công ty buông xuôi. Mục tiêu của chúng tôi là nhận định rõ những khó khăn để có hướng giải quyết tốt nhất, nỗ lực ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo dựng uy tín cho Đạm Ninh Bình," ông Thắng bày tỏ.
Chia sẻ với những khó khăn của Đạm Ninh Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), ông Nguyễn Phú Cường cho hay hiện nay, sản xuất phân bón đang thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng, nhưng không được khấu trừ đầu vào.
Thêm nữa, tái cơ cấu lại các khoản vay cũng là điều rất khó khăn nên hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình đang gặp vướng khi vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động gần đây, Đạm Ninh Bình đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, tâm tư người lao động đã ổn định. Nếu được các cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ về lãi suất vay vốn, về khấu trừ thuế giá trị gia tăng... Đạm Ninh Bình có thể vượt qua khó khăn vào lúc này.
[Bàn giao nhiệm vụ xử lý các dự án kém hiệu quả sang Ủy ban Quản lý vốn]
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, cho biết những nguyên nhân và giải pháp được Vinachem nêu ra về phương án xử lý dứt điểm các vấn đề khúc mắc ở Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình như cơ cấu lại nợ bằng cách xem xét, tính toán lại thuế giá trị gia tăng hay giảm lãi vay ngân hàng... có tính khả thi không cao và mất nhiều thời gian thực hiện.
Do đó, ông Hùng cho rằng cần có những đánh giá tổng thể, chi tiết về nhu cầu và quy mô thị trường đối với các sản phẩm mà Đạm Ninh Bình đang sản xuất và cung cấp; nhận diện được đối tượng khách hàng chủ yếu, xác định phân đoạn thị trường hiện có và thị trường tiềm năng, đánh giá đúng về thị phần cạnh tranh của các doanh nghiệp khác trong và ngoài tập đoàn; định vị được mối quan hệ giữa giá cả và chất lượng sản phẩm trong sự so sánh với các sản phẩm cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Vinachem cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án tái cơ cấu toàn diện dự án Đạm Ninh Bình.
Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh bình luận những đề xuất về ưu đãi giá từ phía doanh nghiệp và Tập đoàn Vinachem là đi ngược với quy luật của thị trường.
Trong tương lai, những hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp khác thuộc Ủy ban cũng cần tính toán tới yếu tố kể trên. Thực tế, thiếu sót của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình là mang tính thời điểm khi đã tính toán sai nhu cầu của thị trường, giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào.
Để giải quyết vấn đề cốt lõi, lãnh đạo Nhà máy đạm Ninh Bình cần đưa ra suất đầu tư hợp lý và những giải pháp khác căn bản hơn./.