Xây dựng đô thị không thể tách rời quy hoạch và quản lý

Quy hoạch đô thị có sự liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, yếu tố lãnh thổ, quản lý hành chính, cộng đồng dân cư...
Xây dựng đô thị không thể tách rời quy hoạch và quản lý ảnh 1(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Xây dựng đô thị không thể tách rời quy hoạch và quản lý là vấn đề được khẳng định tại hội thảo Quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 20/12.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định quy hoạch đô thị được nghiên cứu tích hợp đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường, những diễn biến và dự báo tương lai… có sự liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, yếu tố lãnh thổ, quản lý hành chính, cộng đồng dân cư...

Đặc biệt quy hoạch giúp thiết kế ra môi trường sống cho dân cư đô thị hoạt động trong hiện tại và tương lai. Lập quy hoạch đã khó, nhưng quản lý xây dựng theo quy hoạch còn khó hơn nhiều.

Trên thực tế, quản lý xây dựng đô thị là một quá trình thực tiễn, luôn luôn phải xử lý các tình huống cụ thể trực tiếp tại địa phương, với đặc thù khác nhau và có những biến động liên tục. Bởi vậy, quy hoạch và quản lý là những yếu tố không thể tách rời.

Trong những năm qua, mạng lưới đô thị không ngừng được mở rộng và sắp xếp lại theo đúng định hướng, từng bước tạo nên sự cân đối giữa các vùng miền. Số lượng đô thị đang tăng nhanh. Đến nay, cả nước có khoảng 770 đô thị lớn, nhỏ với mức đô thị hóa khoảng 33%.

Nhiều dự án phát triển đô thị đã được đầu tư đồng bộ tạo nên các không gian sống, làm việc tốt, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về dịch cư, chênh lệch giàu nghèo, nhà ở, lao động việc làm, mất cân đối giữa các vùng đô thị hóa và vùng ven đô… và đặt ra thách thức cho công tác quản lý phát triển đô thị.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng năng lực, trình độ quản lý đô thị của các địa phương chưa đáp ứng được tốc độ phát triển quá nhanh dẫn đến những bất cập trong việc quản lý, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và lao động của người dân.

Sự phát triển về quy mô đô thị chưa đi đôi với nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ cũng chính là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường....

Hiện công tác quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, điều phối các nguồn lực còn khiêm tốn của đô thị để làm sao đạt được sự phát triển bền vững, phát huy nội lực, phát huy nguồn thu từ ngân sách địa phương để giảm thiểu hỗ trợ từ nguồn ngân sách từ Trung ương.

Do đó, các chuyên gia kiến nghị cần nghiên cứu và đề xuất các nhóm giải pháp quản lý xây dựng đô thị cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc trưng tình hình cụ thể hiện nay của các đô thị; nâng cao tính minh bạch và thông tin về định hướng phát triển của đô thị; đảm bảo khả năng tập trung nguồn lực đầu tư.

Mục tiêu đặt ra là thực hiện các định hướng phát triển đáp ứng yêu cầu trước mắt nhưng đồng thời đảm bảo khả năng linh hoạt, thích ứng với những diễn biến của thị trường, cho phép có thể thực hiện các điều chỉnh mang tính chiến lược khi có yêu cầu mới trong tương lai.

Cùng đó, cần huy động được sự tham gia chủ động, tích cực hơn của cộng đồng ngay từ quá trình lập, thực hiện quy hoạch để hạn chế các tác động bất lợi của quy hoạch “treo”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục