Ngày 3/12, tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Quy hoạch tổng thể cho vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23/5/2013 sẽ là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội cấp tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm và hàng năm.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là nhằm xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng thực sự trở thành địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược,” tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng; trở thành đầu tầu của cả nước về phát triển kinh tế.
Đảm đương vai trò to lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và trật tự an toàn xã hội.
Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.
Trong số các mục tiêu cụ thể trong quy hoạch có một số điểm quan trọng như:
Nâng tỷ trọng đóng góp cho GDP cả nước của vùng từ 24,7% năm 2010 lên 26,6% năm 2015 và 28,7% năm 2020.
Nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 2.500 USD vào năm 2015 và khoảng 4.180 USD vào năm 2020; phấn đấu đến 2020, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của vùng đạt 7-7,5%, công nghiệp và xây dựng từ 45-47%, dịch vụ từ 46-48%.
Giải quyết việc làm hàng năm cho 300-350 nghìn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm khoảng 2%; khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở cả khu vực thành thị và nông thôn; đảm bảo yêu cầu bền vững trong suốt quá trình phát triển.
Cũng theo quy hoạch, khu vực thủ đô Hà Nội, bao gồm thành phố Hà Nội và các cụm thành phố lân cận, sẽ được phát triển thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế và khoa học công nghệ của cả nước.
Quy hoạch cũng đề cập đến các thành phố cụ thể như: Thành phố Hải Dương sẽ được phát triển thành đô thị trung tâm với chức năng chủ yếu là phát triển công nghiệp, đồng thời đảm nhận một phần dịch vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Thành phố Nam Định trở thành đô thị trung tâm khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng với các ưu tiên là công nghiệp phục vụ nông nghiệp, đào tạo và chữa bệnh cho tiểu vùng nam đồng bằng sông Hồng.
Chùm đô thị Ninh Bình, Thái Bình và các đô thị ven biển; thành phố Hạ Long trở thành thành phố biển đặc thù; Hải Phòng là cửa ngõ hội nhập kinh tế của cả miền Bắc./.