Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết trong nửa nhiệm kỳ tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tập trung nhiều hơn vào các bài học về Tổ chức thực hiện.
Theo đó, Chương trình toàn khóa thông qua các Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án… không chỉ cụ thể hóa bằng Nghị quyết, Kết luận của Trung ương mà các Chương trình của Chính phủ, các Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn cho đến vai trò của việc xây dựng Kế hoạch, Đề án, Chương trình tổ chức triển khai thực hiện là hết sức quan trọng.
Xây dựng giải pháp đột phá thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội VIII của Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương yêu cầu nghiên cứu đề xuất để tìm ra các giải pháp mang tính đột phá và thực tiễn.
Chính vì vậy, tại Hội thảo: “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 25/12, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh cần nghiên cứu đề xuất để tìm ra các giải pháp mang tính đột phá và thực tiễn, thể hiện quyết tâm và mang lại kết quả thực sự.
Nhận diện những nút thắt
Đánh giá tại hội thảo cho thấy từ sau Đại hội XIII đến nay, tình hình quốc tế và trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Đại dịch COVID-19 tác động toàn diện đến các mặt của đời sống kinh tế-chính trị-xã hội. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt. Kinh tế thế giới suy giảm trong bối cảnh chuỗi cung ứng đứt gãy, giá năng lượng và nhiều mặt hàng chiến lược leo thang. Các nền kinh tế lớn cũng là những đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế chỉ đạt trên 5% nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong khu vực, nổi bật trong đó có nửa nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là đối ngoại.
Đáng chú ý, bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống do Tạp chí kinh doanh, thương mại hàng đầu thế giới CEOWORLD (Mỹ) đưa ra cho thấy năm 2022, chỉ số chất lượng cuộc sống của Việt Nam được xếp thứ 62/165 nước (cải thiện 39 bậc so với 1 năm trước đó), trong khi xếp hạng hạnh phúc cũng tăng 25 bậc, từ 101 lên bậc 76.
Với kết quả xếp hạng này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng là do thu nhập bình quân đầu người tăng ổn định; nhà ở tốt hơn và chi tiêu cho hàng tiêu dùng lâu bền, nhà ở có cải thiện; tình trạng bất bịnh đẳng được cải thiện, đặc biệt Chương trình nông thôn mới đã góp phần đáng kể cải thiện khá toàn diện chất lượng sống cho nông thôn.
Tuy xếp hạng của Việt Nam được cải thiện nhưng so với các nước trong khu vực vẫn chưa có sự vươn lên đáng kể, chỉ trên hai nước Myanma và Campucia, trong khi khoảng cách so với các nước đứng trên cũng khá xa.
“Năm 2023 tuy được dự đoán thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa quay về mức trước đại dịch. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống bị hạ thấp do ô nhiễm; tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn ở quý 2/2023, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức cho thấy lao động việc làm phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê nói.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lương Đình Hải (VASS), tình trạng “trên nóng dưới lạnh” đã được khắc phục phần lớn trong rất nhiều công việc, nhưng vẫn còn tồn tại ở một số nơi, một số công việc. Trong khi đó, lại bắt đầu xuất hiện tình trạng “trên nhanh dưới chậm,” “quyết tâm thì ở cấp cao, xuống đến cấp dưới việc nào cũng lâu.”
Bên cạnh đó, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán, đùn đẩy trách nhiệm và công việc, sợ sai, đang bắt đầu tăng dần tại một số nơi. Điều này gây hệ lụy rất lớn và sẽ thể hiện rõ, ảnh hưởng tiêu cực trong giai đoạn tới, nếu không sớm khắc phục ngay từ bây giờ.
Một hạn chế khác là tính chuyên nghiệp trong công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Theo tiến sỹ Lương Đình Hải, tình trạng “việc nào cũng biết” nhưng “không biết việc nào đến nơi đến chốn,” là một thực tế có ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.
Do vậy, để hoàn thiện hệ thống chính trị nâng cao hiệu quả thực thi đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong giai đoạn hiện nay, tiến sỹ Lương Đình Hải đề xuất các tổ chức Đảng chủ động và thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ, có tính chuyên nghiệp, đáp ứng, yêu cầu công vụ một cách khách quan, trách nhiệm và nhân văn.
“Thực hiện phân quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ trong công việc, công vụ một cách đầy đủ, toàn diện và thực chất nhiều hơn nữa. Khi giao việc phải làm rõ chế tài kèm theo để người được giao yên tâm và thấy rõ phận sự của mình. Có những đãi ngộ xứng đáng, rõ tràng, công bằng và minh bạch,” ông khuyến nghị.
Xây dựng giải pháp đột phá, mang lại kết quả thực sự
Có thể khẳng định thể chế là một trong những nội hàm quan trọng trong quá trình đổi mới đất nước. Việc hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phụ hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập là một trong những nội dung căn bản của đổi mới và phát triển Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Kim Chung, Thư ký khoa học, Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ định hướng trở thành nước thu nhập trung bình vào năm 2025, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 muốn trở thành hiện thực cần đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường.
“Thể chế nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập đóng vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu trên trong bối cảnh hiện nay cần sự vào cuộc của tất cả các bên hữu quan trong việc hoàn thiện thể chế để Việt Nam có thể vượt qua mọi khó khăn, thách thức và phát triển thành công,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Kim Chung khuyến nghị.
Hiện nay, Việt Nam xác định phát triển Kinh tế Xanh, Kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển quan trọng của đất nước. Theo các chuyên gia, để thực hiện yêu cầu trên, Việt Nam cần xây dựng lộ trình từ vi mô đến vĩ mô, gắn kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp theo mô hình đối tác công-tư, tạo cơ chế phát huy vai trò năng động, tiên phong của doanh nghiệp.
“Các chính sách cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng, tiến tới ngừng sử dụng các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại,” tham luận của Ban Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương khuyến nghị thêm.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Tuấn Nghĩa, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần phải có lộ trình thực hiện cụ thể để xác lập các thể chế để vừa thúc đẩy phát triển của công nghệ, nâng cao năng suất lao động xã hội, vừa tiết kiệm nguồn lực, thúc đẩy việc làm và mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu phong phú của xã hội.
“Những thế chế mang tính nguyên tắc lựa chọn ngành, vùng ưu tiên, định hướng ưu đãi, dẫn dắt đầu tư phát triển theo kế hoạch, chiến lược tổng thể, dài hạn của Việt nam cần được rà soát, bổ sung,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Tuấn Nghĩa đề xuất.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận đề cập xu hướng định hình trật tự thế giới đa cực và hàm ý chính sách cho Việt Nam; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng trong bối cảnh mới ở Việt Nam; giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế…
Nội dung của Hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ” là hoạt động thiết thực, gợi mở một số vấn đề lý luận và kết quả tổng kết thực tiễn, đóng góp cho việc xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng./.