Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm đào tạo lớn

Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp."

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký ban hành Quyết định số 2083/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp."

Mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo nghề Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng các chức danh tư pháp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020; phục vụ đắc lực cho việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đề án hướng đến mục tiêu giai đoạn từ năm 2013-2015, nâng cao chất lượng đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, thực hiện thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; mở rộng quy mô đào tạo Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Đến năm 2015, tổng quy mô đào tạo các chức danh tư pháp khoảng 12.600 người (trung bình 4.200 người/năm).

Bên cạnh đó, tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mới cho các chức danh tư pháp và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, phấn đấu đến năm 2015 đạt quy mô bồi dưỡng khoảng 36.000 lượt người; từng bước mở rộng hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật tại các doanh nghiệp với quy mô khoảng 10.000 lượt người/năm, tập huấn kiến thức pháp luật cho các cơ quan, tổ chức ngoài ngành Tư pháp với quy mô khoảng 3.300 lượt người/năm.

Theo Quyết định, Học viện Tư pháp cần tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và các bộ, ngành hữu quan trong đào tạo nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, bảo đảm chỉ tiêu đào tạo 500 người/năm đối với chức danh Thẩm phán, 300 người/năm đối với chức danh Kiểm sát viên.

Bên cạnh đó, Học viện thực hiện đào tạo Luật sư với quy mô 2.500 người/năm, chú trọng đào tạo luật sư theo Đề án Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế và ưu tiên đào tạo cho các địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đào tạo nguồn cán bộ cho các cơ quan Thi hành án dân sự, bảo đảm chỉ tiêu đào tạo Chấp hành viên 300 người/năm và các chức danh khác của cơ quan Thi hành án dân sự (Thẩm tra viên thi hành án dân sự, Thư ký Thi hành án dân sự từ 200 người/năm đến 300 người/năm), đào tạo Thừa phát lại trong khuôn khổ thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại...

Cũng theo Quyết định, Học viện Tư pháp đào tạo chung Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cần phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu và các điều kiện cần thiết để thí điểm đào tạo với quy mô 100 người/năm trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015.

Học viện nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng; tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành; xây dựng, hoàn thiện thể chế và tăng cường phối hợp trong đào tạo các chức danh tư pháp; tăng cường hợp tác quốc tế... Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục