Ngày 20/10, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo quốc gia “Xây dựng kế hoạch hành động ngành thủy sản giảm thiểu rác thải nhựa đại dương,” do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN) phối hợp tổ chức.
Chương trình có sự tham gia của các đại biểu đến từ các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, ngư dân và cơ quan báo chí.
Tại hội thảo, báo cáo chi tiết về tình trạng ô nhiễm môi trường biển tại 11 khu bảo tồn biển đã được trình bày; đây là những thông tin, số liệu quan trọng, góp phần định hướng các hoạt động giảm ô nhiễm nhựa cho ngành thủy sản.
[Chặng đường dài tìm 'ứng cử viên' sáng giá thay thế chai nhựa]
Các chuyên gia cũng thảo luận một số khuyến nghị về chính sách người gây ô nhiễm phải trả (ERP), sáng kiến giảm rác thải nhựa tại các địa phương cũng như lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của đại diện Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (Greenhub) giới thiệu và tập huấn tài liệu “Hướng dẫn giảm rác thải nhựa ở bãi biển và ô nhiễm nhựa vùng ven biển” cho đại diện các khu bảo tồn biển, vườn quốc gia ven biển trên toàn quốc.
Để định hướng các việc làm cụ thể, các chuyên gia đã tư vấn cho Tổng cục Thủy sản các kế hoạch như rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn địa phương về quản lý rác thải nhựa; thực hiện, phối hợp nghiên cứu liên vùng, quốc gia; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể với lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản; tổ chức diễn đàn hàng năm chia sẻ kết quả, hành động giữa các bên có liên quan; tập huấn, truyền thông cho cộng đồng và điều phối dự án từ các nhà tài trợ...
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới, nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt trong các hộ gia đình.
Hiện Việt Nam chưa có dữ liệu quốc gia xác định các nguồn rác thải nhựa từ đất liền hay từ biển và chưa có nghiên cứu, thống kê cụ thể về lượng rác thải nhựa tại các vùng biển ven bờ.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2018, mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, đến năm 2050 cả thế giới sẽ có 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị chôn lấp hoặc thải ra môi trường.
Rác thải nhựa đang gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển; dự tính đến năm 2050, khoảng 99% loài chim biển có ăn nhựa, hơn 600 loài động vật biển sẽ bị nguy hại bởi rác thải nhựa./.