Xây dựng năng lực cạnh tranh cho nông dân khi tham gia TPP

Theo FAO, Việt Nam cần tăng thể chế, xây dựng năng lực cạnh tranh cho người nông dân trong quá trình hội nhập, nhất là với hiệp định TPP.
Xây dựng năng lực cạnh tranh cho nông dân khi tham gia TPP ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 12/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp cho nông dân khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là chuyên gia đến từ các bộ, ngành, các nhà khoa học và đại diện những hộ nông dân làm kinh tế tiêu biểu trên cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều nhấn mạnh, việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả cao, tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người nông dân là mục tiêu hàng đầu và lâu dài của Hội Nông dân Việt Nam.

Trước những cơ hội và thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập, hội thảo được tổ chức có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác động của TPP đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Từ đó tìm ra những giải pháp vượt qua khó khăn, giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đứng vững trên thị trường quốc tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo nhận định, việc gia nhập TPP sẽ mở ra một thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, đặc biệt thúc đẩy sự hợp tác, đầu tư của các nước thành viên vào Việt Nam, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp cận được với ứng dụng công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hơn 10 triệu hộ nông dân Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn do nền nông nghiệp nước ta vẫn hoạt động theo phương thức sản xuất nhỏ lẻ và lạc hậu.

Đây sẽ là đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất do chưa được trang bị nhiều kiến thức dẫn tới năng lực cạnh tranh bị hạn chế. Các đại biểu cho rằng, dù Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp song đối với ngành chăn nuôi lại gặp nhiều bất lợi, vì chủ yếu sản phẩm chăn nuôi của các nước trên thế giới đều được sản xuất theo quy trình công nghiệp hiện đại nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Trước những thách thức đặt ra cho nền nông nghiệp Việt Nam, các đại biểu khẳng định, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ những thời cơ, cũng như thách thức khi gia nhập TPP, từ đó thay đổi tư duy về sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp phải trở thành cầu nối liên kết nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường. Đó cũng là một cách bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân thông qua quan hệ hợp đồng.

Để nâng cao trình độ, kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, các đại biểu đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần tổ chức thêm nhiều chương trình tập huấn tại các địa phương, đưa nông dân sản xuất giỏi đi học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp ở các nước tiên tiến. Từ đó phát hiện, nhân rộng những mô hình làm kinh tế tiêu biểu, khuyến khích hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ các hộ nghèo cùng vươn lên, vượt qua khó khăn trong sản xuất…

Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, những nghiên cứu trước đây cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất so với 11 thành viên khác khi gia nhập TPP.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà sản xuất nước ngoài khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan được giảm bớt và loại bỏ. Để xác định những giải pháp hữu hiệu cho người nông dân Việt Nam, đại diện FAO khẳng định đầu tiên cần phải thiết lập cơ chế ưu tiên để thu hút tư nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp nhằm cải thiện việc phát triển nguồn vốn, xã hội và con người.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần trao quyền và tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền, từ đó nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm thông qua tăng cường các khung, khuôn khổ về thể chế, xây dựng năng lực cạnh tranh cho người nông dân trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục