Quảng Ninh: Giương cao ngọn cờ đầu xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh: Có bắt đầu, nhưng không kết thúc

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đạt được những thành tích khả quan, tổng kết chương trình năm 2019 đã về đích trước một năm so với kế hoạch.
Quảng Ninh có 91/122 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành 100 xã về đích vào năm 2022. (Ảnh: Vietnam+)
Quảng Ninh có 91/122 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành 100 xã về đích vào năm 2022. (Ảnh: Vietnam+)

“Tỉnh Quảng Ninh bước vào xây dựng nông thôn mới trong một bối cảnh rất khó khăn. Mặc dù là tỉnh phát triển song lĩnh vực nông nghiệp có đặc thù địa lý, nhiều xã miền núi, biên giới và hải đảo. Xuất phát ban đầu, toàn tỉnh có đến 52 xã khó khăn, 22 xã đặc biệt khó khăn. Nhiều xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc rất là cao, người dân còn nặng nề tư tưởng trông chờ, ý lại. Bên cạnh đó, phong tục tập quán còn rất lạc hậu,” ông Đặng Bá Bắc, Phó trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh chia sẻ về những ngày đầu xây dựng chương trình nông thôn mới của tỉnh.

Thế nhưng, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tích khả quan, tổng kết chương trình năm 2019 đã về đích trước một năm so với kế hoạch. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 91/122 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành 100 xã về đích vào năm 2022.

Làm từ dưới đi lên

Ông Bá Bắc cho biết trước thực trạng khó khăn ban đầu, tỉnh Quảng Ninh xây dựng nông thôn mới với một quyết tâm rất cao, xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống. Ngày từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy ban hành là đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, tiếp theo đó là Hội đồng nhân dân Tỉnh đã xây dựng Nghị quyết thực hiện đồng thời Uỷ ban Nhân dân Tỉnh lập kế hoạch triển khai chương trình. Quyết tâm rõ ràng là xác định phải làm từ dưới đi lên, tức là người dân phải vào cuộc cùng hệ thống chính trị.

Do đó, mặc nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, song vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được đặt vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Cụ thể, dân số khu vực nông thôn chiếm 47% và quản lý sử dụng 76% diện tích đất đai và biển. Vị trị địa lý Quảng Ninh có vùng núi-biển-đồng bằng với nhiều hình thái khí hậu khác nhau và có 22 dân tộc anh, em sinh sống. Tỉnh xác định đây chính là những lợi thế để hình thành các sản phẩm đặc trưng địa phương, như Trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ; nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô…

Bên cạnh đó, Quảng Ninh có thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, hàng năm cung cấp lương thực, thực phẩm cho trên 10 triệu khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu khách quốc tế và trên 200.000 lao động ngành công nghiệp khai thác than, xi măng, nhiệt điện và nhân dân trong tỉnh trên địa bàn.

Trong khi đó, kinh tế khu vực nông thôn phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, thu nhập và đời sống người dân nông thôn còn thấp, sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình là chủ yếu, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp.

“Do đó, tỉnh đặt ra yêu cầu về xây dựng nông thôn mới là phải làm đồng bộ 111/111 xã, vừa tập trung đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật vừa tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhân dân khu vực nông thôn,” ông Bắc cho biết.

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh: Có bắt đầu, nhưng không kết thúc ảnh 1Quảng Ninh đặt ra yêu cầu về xây dựng nông thôn mới đạt đồng bộ 111/111 xã. (Ảnh: Vietnam+)

Giải mã các “nút thắt”

Sau khi xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của các địa phương, Quảng Ninh lên phương án quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường…

Theo đó, các cán bộ quản lý của tỉnh được nghiên cứu học tập kinh nghiệm phong trào-Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan.

“Chúng tôi nhận thấy, đây là những chương trình phát triển kinh tế trọng tâm có thể ứng dụng và giải mã được cho các nút thắt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở một tỉnh như Quảng Ninh với chủ thể chính là người dân, có sự hợp tác bằng các mô hình tổ chức kinh tế cộng đồng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, mô hình hợp tác xã, Nhà nước làm ‘bà đỡ’ bằng hỗ trợ chính sách, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại,” ông Bắc cho hay.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”-OCOP với 3 mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia. Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn nhằm góp phần hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội.

Kết quả, sau 7 năm triển khai, chương trình OCOP thành lập được hệ thống tổ chức ở cấp tỉnh và 13/13 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh có 29 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và được xúc tiến thương mại trên một số thị trường trọng điểm (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Bắc) và tại thị trường Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây, Vân Nam)...

Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh: Có bắt đầu, nhưng không kết thúc ảnh 2Sau 7 năm triển khai, chương trình OCOP thành lập được hệ thống tổ chức ở cấp tỉnh và 13/13 huyện, thị xã, thành phố. (Ảnh: Vietnam+)

Theo đó, chương trình OCOP của Quảng Ninh đã được Trung ương chỉ đạo làm điểm và nhân rộng ra toàn quốc thành chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đây cũng là cơ sở để Trung ương đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề Nông thôn…

Tuy nhiên, ông Bá Bắc khẳng định nông thôn mới có điểm bắt đầu, song không có điểm kết thúc. Những địa phương ban đầu đã đạt nông thôn mới sẽ tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, các tiêu chí sẽ được nâng cao về chất để bảo đảm có tính bền vững trong phát triển. Và do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đầu tư nguồn lực để giúp các địa phương hoàn thành nông mới tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và những địa phương hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu sẽ tiếp tục xây dựng, đẩy mạnh phong trào đô thị hóa trong nông thôn.

“Việc gắn với chương trình nông thôn mới và đô thị văn minh để rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nhằm cam kết bảo đảm không có sự chênh lệch cao giữa thành thị và nông thôn và đây là mục tiêu Tỉnh tiếp tục đặt ra,” ông Bắc nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục