Xây thủy điện: Môi trường, đời sống người dân là số 1

Khi lập đề án xây dựng thủy điện, nếu thẩm định xem xét, đánh giá mà không đạt tiêu chuẩn thì sẽ không được đưa vào triển khai.
Trong thời gian qua, việc xây dựng thủy điện đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân tại các địa phương như Thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện 6 và 6A ở Đồng Nai.

Bên lề Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, nếu Hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá nếu dự án không đạt tiêu chuẩn thì sẽ không được đưa vào triển khai. Bảo đảm môi trường và đời sống của người dân phải là số một.

- Bộ Công thương đã tổ chức nhiều lần rà soát các dự án thủy điện nhưng khi đi vào vận hành đều xuất hiện một số vấn đề về môi trường, tác động xã hội lớn như thủy điện Sông Tranh 2. Vậy phải chăng việc quy hoạch, rà soát, kiểm tra thủy điện vẫn chưa chặt chẽ, thưa Phó Thủ tướng?

PTT Hoàng Trung Hải: Quy hoạch thủy điện mình đã làm các cấp. Từ quy hoạch sẽ ra các dự án cụ thể. Trong quy hoạch chia làm hai loại quy hoạch: Một là quy hoạch các dòng sông lớn thì do cấp Bộ làm mà cụ thể là Bộ Công thương; tiếp đến là quy hoạch thủy điện nhỏ là do các địa phương lập và duyệt quy hoạch.

Với 10 dòng sông lớn đã có 45 dự án đưa vào hoạt động, còn 34 dự án nữa đang triển khai thi công và các dự án còn lại đang tiếp tục nghiên cứu.

Ở đây từ bước quy hoạch dự án chuyển sang bước lập dự án phải được các công ty tư vấn lập các dự án đầu tư và khi lập thì họ phải nghiên cứu tất cả các khía cạnh của dự án. Quy trình bao gồm: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá về động đất, đứt gãy, thiết kế…

Những dự án thủy điện trong thời gian vừa qua làm đa số là do các công ty hàng đầu của các nước tư vấn. Trong quá trình làm lại có những hệ thống giám sát (giám sát thi công, thiết kế,…). Đối với dự án thủy điện nhỏ mà cấp quy hoạch là địa phương thì Ủy ban Nhân dân giao cho các sở chuyên ngành giám sát các công trình thủy điện từ việc thiết kế đến thi công.

Với thủy điện Sông Tranh 2, vừa qua cũng đã giao cho các Bộ, hội đồng nghiệm thu nhà nước vào kiểm tra và thuê cả tư vấn nước ngoài. Qua đánh giá cho thấy, thấm nước đã được xử lý cơ bản đến 99,9%. Còn vấn đề về ổn định đập thì cũng đã thuê tư vấn nước ngoài đánh giá về tính ổn định. Chất lượng của đập cũng đã thuê tư vấn nước ngoài khoan, lấy mẫu. Tất cả đều đánh giá các tiêu chuẩn về thiết kế là bảo đảm, các số liệu về ổn định đập vượt chỉ tiêu cho phép, kể cả về số liệu động đất. Những điều này đã được hội đồng nghiệm thu nhà nước công bố.

Tuy vậy, do ảnh hưởng của động đất kích thích thời gian vừa qua nên đã quyết định không tích nước tại thủy điện này và tiếp tục theo dõi xem phản ứng của động đất kích thích với sự xuất hiện của hồ chứa ra sao. Ngoài ra, cũng đã giao cho Viện Vật lý địa cầu lắp các trạm địa chấn đầy đủ để theo dõi và giao Viện này mời các chuyên gia nước ngoài tham gia đánh giá các nứt gãy địa chất đó.

Với thủy điện Sông Tranh 2 đang có các bước đánh giá hết sức thận trọng. Có ý kiến cho rằng công trình xây dựng rồi mà không đưa vào khai thác thì hiệu quả kinh tế ra sao nhưng mình phải đặt cái an toàn lên trước hết. Nếu không có vấn đề gì thì sẽ đưa vào hoạt động và nếu đang có vấn đề mà nghi vấn (dù các kết quả tính toán, giám định cho đến hiện nay đều đánh giá là tốt nhưng động đất vẫn đang xảy ra) thì phải tiếp tục theo dõi.

Các công trình có động đất kích thích đã có nhưng với Sông Tranh 2 động đất kích thích tương đối nhiều do vậy cần theo dõi thận trọng hơn.

- Thưa Phó Thủ tướng, Theo thống kê của Viện vật lý địa cầu, trước khi có dự án khu vực này chỉ xảy ra 8 trận động đất trong thời gian rất dài, hàng trăm năm. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm trở lại đây có 66 trận động đất liên tục. Như vậy có phải khảo sát ban đầu không lường hết?

PTT Hoàng Trung Hải: Về động đất kích thích trong tính toán không ai lường hết được. Người ta vẫn nói đối với một hồ chứa khi tích nước thì có khả năng xảy ra động đất kích thích nhưng có hồ chứa xảy ra, có hồ chứa không. Điều này phụ thuộc vào điều kiện địa chất của từng khu vực, do đó đánh giá không hết được.

Về nguyên tắc, nếu đã động đất kích thích thì thường không vượt qua mức động đất chỉ đạo và có xu hướng tắt dần theo thời gian. Vậy nên động đất kích thích hay không không phải là một yếu tố để loại công trình ra khỏi hệ thống và động đất kích thích tại các hồ chứa đến khoa học cũng chưa thể đánh giá được.

Chỉ có điều, nếu có động đất kích thích thì kinh nghiệm trên thế giới cho thấy động đất kích thích thường tắt dần nên phải theo dõi, đánh giá và nếu vượt qua chấn động cực đại, nghĩa là vượt qua tiêu chuẩn thiết kế, thì phải xem lại công trình và công trình sẽ không thể đưa vào vận hành.

Động đất có các số liệu về rung động, độ richter… nhưng có số liệu hết sức quan trọng đối với an toàn đập là gia tốc nền. Gia tốc nền được thiết kế là 150cm/s2 nhưng khi thử nghiệm đến 250cm/s2 và động đất 4,6 độ richter vừa qua tương đương gia tốc nền là 108cm/s2 – dưới mức chịu đựng được và động đất 4,6 độ richter vừa qua sau kiểm tra không tác động đến đập.

- Đối với thủy điện 6 và 6A ở Đồng Nai hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

PTT Hoàng Trung Hải: Chủ trương của Chính phủ từ lâu là các dự án thủy điện đều phải thực hiện theo đúng quy trình. Hiện nay dự án đó đang ở bước thẩm tra, đánh giá tác động môi trường, dự án này phải qua được các bước đó mới được triển khai.

Hiện những vấn đề này vẫn đang được Hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá dự án có thể triển khai được hay không, nếu không thì sẽ không được đưa vào.

- Được biết, tỉnh Đồng Nai đang kiến nghị dừng dự án này, có đúng không thưa Phó Thủ tướng?

PTT Hoàng Trung Hải: Đó có thể là một ý kiến kiến nghị và đó cũng là một yếu tố đầu vào cho hội đồng thẩm định. Có rất nhiều yếu tố ở đây. Ủy ban Nhân dân địa phương trên cơ sở quy hoạch xem xét thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng thì có thể đề nghị không làm dự án.

Các địa phương có quyền đó kể cả khi đánh giá tác động môi trường tốt, hiệu quả kinh tế tốt,… nhưng khi di dân không tìm được đất hay ổn định dân cư không bảo đảm hay đất sản xuất mất nhiều quá không bố trí bù lại được thì cũng có thể yêu cầu không thực hiện.

Vừa qua, các địa phương loại các dự án dự án ra khỏi quy hoạch chính là việc họ xem xét yếu tố này mà trước đây chưa để ý lắm nhưng gần đây họ quan tâm nhiều hơn.

Với những dự án đã xây dựng rồi nhưng sau này thấy tác động về môi trường, xã hội lớn thì trước hết phải xem có giải pháp gì để khắc phục. Nếu như tất cả các giải pháp khắc phục rồi mà vẫn không được thì sẽ phải đình công trình. Bảo đảm môi trường và đời sống của người dân phải là số một.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục