Xe giường nằm không được chạy trên đường núi quanh co

Xe giường nằm không được chạy trên đường miền núi quanh co

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, các cơ quan cần đưa vào thông tư quy định xe giường nằm không được hoạt động trên đường miền núi quanh co vì rất dễ nghiêng lật.
Xe giường nằm không được chạy trên đường miền núi quanh co ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn xe khách tại Lào Cai ngày 1/9 (Ảnh: Vietnam+)

Liên quan đến vụ xe khách lao xuống vực ở Sa Pa khiến 12 người tử vong, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, vụ tai nạn xe khách giường nằm đặc biệt nghiêm trọng tại Lào Cai ngày 1/9 là dịp để cơ quan chức năng rút ra nhiều bài học. Nếu làm chặt chẽ, làm nghiêm thì không thể xảy ra trường hợp như vậy.

“Đặc biệt, các cơ quan cần đưa vào thông tư quy định xe giường nằm không được hoạt động trên đường miền núi quanh co vì rất dễ nghiêng lật,” Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo tại cuộc họp về công tác xây dựng các đề án trình Chính phủ tại Bộ Giao thông Vận tải diễn ra sáng nay (3/9), tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải rà soát toàn bộ hộ lan trên quốc lộ 4D đoạn Sa Pa-Lào Cai bởi qua quan sát tại hiện trường cho thấy hộ lan bằng sắt khá yếu và thấp.

"Phải thử tải hộ lan nơi đèo dốc nguy hiểm. Những đoạn hộ lan trên đường cho thấy đơn vị thi công chỉ cố tình tiêu tiền chứ không lo tính mạng người dân", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Theo ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong hai năm qua, cả nước đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến xe khách giường nằm trong đó, 19 trong số 22 vụ xảy ra từ 21 giờ tối đến 7 giờ sáng và 30% số vụ tai nạn xảy ra trên đường đèo núi, còn lại phần lớn xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn qua miền Trung.

“Qua kiểm tra, các xe gặp tai nạn đều được đăng kiểm, đảm bảo góc nghiêng, sản xuất tại các nhà máy ôtô Trường Hải, nhà máy ôtô 1/5,” ông Hình khẳng định.

Để hạn chế tai nạn liên quan đến xe giường nằm, Cục Đăng kiểm sẽ siết chặt điều kiện hoạt động của xe giường nằm hai tầng như giảm số giường, có lối thoát hiểm... theo quy định tại Thông tư 18 sửa đổi.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo các cơ quan liên quan cần phải sửa đổi các quy định xe giường nằm, như nhà sản xuất phải trang bị dây an toàn trên xe và hành khách phải đeo dây an toàn; công tác cứu nạn ban đêm phải có máy phát điện, thang dây...

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Bộ Giao thông Vận tải đang sửa Nghị định 91, 93 trong đó quy hoạch luồng tuyến, phải khảo sát làm rõ là xe giường nằm chỉ được phép chạy những luồng tuyến nào, cấp đường nào thì không được phép chạy giường nằm.

“Ngay trong chiều nay (3/9) sửa lần cuối Thông tư 18 sẽ đưa vào, trình Bộ trưởng ký ban hành ngay đầu tháng Chín,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Liên quan đến việc không chấp hành đúng quy định về luồng tuyến vận tải khách của xe khách Công ty Sao Việt, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đến thời điểm hiện tại Sở không quản lý và chưa cấp phù hiệu "xe chạy tuyến cố định", "xe hợp đồng" cho xe ôtô biển kiểm soát 29B-085.82. Xe này chỉ được cấp phù hiệu xe tăng cường Quốc khánh 2/9 đến bến xe thành phố Lào Cai, không có điểm đến thị trấn Sa Pa.

Theo ông Linh, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ký quyết định rút Giấy phép kinh doanh của Công ty Sao Việt từ ngày 2/9.

Đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để xe khách chạy sai luồng tuyến, ông Linh cho biết, vấn đề ở đây là xe hoạt động trên địa phận tỉnh Lào Cai thì cơ quan quản lý Nhà nước tại tỉnh Lào Cai phải chịu trách nhiệm.

“Tại sao xe chỉ được cấp phép luồng tuyến đến thành phố Lào Cai nhưng cơ quan quản lý ở Lào Cai lại để xe lên tận bến xe Sa Pa để trả khách và đón khách lại từ Sa Pa về rồi xảy ra tai nạn?” ông Linh đặt câu hỏi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục