Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ôtô của Thủ đô trong những năm vừa qua phát triển nhanh cả về chất lượng và số lượng, đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, các đơn vị vận tải vẫn chưa thực sự chú trọng việc giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ cho lái xe, nhân viên phục vụ dẫn đến tình trạng chạy sai lộ trình, vòng vo trước cửa bến xe còn nhiều. Công tác quản lý, giám sát hoạt động vận tải của các đơn vị bị buông lỏng như: không có sổ nhật trình hoặc có thì sửa chữa, không có phù hiệu xe chạy tuyến cố định, chạy xe theo lộ trình sai quy định… Nghịch lý ở bến xe Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra xử lý nhưng tình trạng xe khách vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các tuyến đường. Nhiều người đi đường có thể dễ dàng bắt gặp tình trạng lộn xộn ở cổng các bến xe hay việc chạy vòng vo, dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định, nối đuôi nhau thành hàng dài. Thậm chí, các xe khách trên thản nhiên “vớt” khách dọc đường giữa dòng phương tiện đang lưu thông bất chấp sự an toàn tính mạng của chính bản thân và hành khách ngồi trên xe. Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Phó phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an Thành phố Hà Nội cho biết: "Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành quy tắc giao thông đường bộ như đi sai phần đường, tránh vượt sai quy định, vi phạm tốc độ, chuyển hướng không quan sát, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật..." “Hiện nay, các lỗi vi phạm và nhiều vụ tại nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu thuộc về lỗi vi phạm chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định để tranh giành khách. Tình hình giao thông liên quan đến xe khách hết sức phức tạp,” thượng tá Thắng cho hay. Theo ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các lỗi xe khách vi phạm chủ yếu nằm dọc trên các tuyến đường ở gần cổng bến xe như: Phạm Hùng, Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng… Khi xe xuất bến đi rất chậm, chạy vòng vo bắt khách dọc đường. Thực trạng nhiều nhà xe cùng xin phép đăng ký khai thác trên một lộ trình, tuyến đường đã khiến nảy sinh những hệ lụy. Đó chính là sự coi thường các quy tắc an toàn giao thông, cạnh tranh đến khốc liệt giữa các nhà xe trong việc câu kéo, giành hành khách... Ông Mạnh cho biết thêm: Nếu bị các lực lượng xử lý chặt quá thì những lái xe này sử dụng chiêu chạy xe với vận tốc... "rùa bò" nhằm chống đối. Để có khách, nhiều xe còn cố tình dừng xe và chấp nhận bị xử phạt nhằm vớt vát thêm khách trước khi tài xế cho xe lăn bánh. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, qua đợt kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện rất nhiều vi phạm tại các bến xe. "Theo báo cáo của các bến xe Hà Nội, tần suất xe xuất bến là 3.500 xe/ngày, nhưng thực tế số lượng phương tiện tham gia hoạt động tại bến vào khoảng 4.000 xe/ngày cao hơn rất nhiều so với số lượng bến xe báo cáo," ông Linh cho biết. Ngoài ra, theo nhận định của cơ quan chức năng, hầu hết diện tích các bến xe không được mở rộng mà ngày càng bị thu hẹp. Ông Linh cũng cho biết: “Số phương tiện xe khách tăng từ 4.800 xe lên 4.900 xe từ năm 2010-2011 (tăng 2,08%). Năm 2010, Hà Nội có 510 tuyến, đến nay tăng tới 550 tuyến (tăng 7,7%). Tám tháng đầu năm nay, Hà Nội chỉ tăng đầu xe và phương tiện vào thành phố trong khi diện tích vẫn thế. Vì vậy, hạ tầng bến xe không thể đáp ứng được nhu cầu bãi đỗ của các xe khách.” “Dự kiến bến xe Lương Yên cuối năm 2011 sẽ được Thành phố thu hồi làm khu đô thị. Vì vậy hiện trạng diện tích bến xe ngày càng nhỏ đi và các bến xe khác phải “gồng” mình đấu nối các phương tiện của bến Lương Yên,” ông Linh cũng cho hay. Đồng tình với quan điểm đó, ông Thắng cho rằng, chính tình trạng bến xe quá chặt hẹp là nguyên nhân xe dù, bến cóc có xu hướng gia tăng và hiện tượng bắt khách dọc đường bởi lái xe chỉ dừng, đỗ trong bến được 5-10 phút và tiếp tục xuất bến đón khách. Trách nhiệm bị “buông lỏng” Mặc dù các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm siết chặt vi phạm và giảm tai nạn xe khách. Tuy nhiên, những nỗ lực đó dường như vẫn chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề, thậm chí bị buông lỏng. Theo thượng tá Thắng, nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều do ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, đó là không làm chủ tốc độ, đi không đúng phần đường quy định, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện. “Điều đó cho thấy, việc đào tạo, giáo dục đạo đức cho đội ngũ lái xe vẫn đang là một vấn đề cần được quan tâm cấp bách,” Thượng tá Thắng chia sẻ. Các vi phạm xe khách trong thời gian qua ngoài nguyên nhân trực tiếp lái xe không chấp hành luật giao thông thì vấn đề quản lý vận tải còn nhiều bất cập, đặc biệt là quản lý đội ngũ lái xe. Ông Linh đưa ra dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp, chủ xe đã quá dễ dãi trong việc tuyển dụng lái xe, thậm chí tuyển dụng cả lái xe điều khiển loại xe không đúng yêu cầu của luật giao thông đường bộ. Khi điều khiển xe với sức ép về mức khoán, quay vòng xe nhanh để thu lợi nhuận cao nên lái xe đã chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu, đua tốc độ tranh giành khách… Hiện nay, nhiều chủ xe không bố trí nhân lực phù hợp và lỏng lẻo trong quá trình điều khiển phương tiện qua đêm quá lâu trên hành trình. Khi xảy ra tai nạn, lái xe là người chịu hết trách nhiệm. Xe bị hỏng hóc đã có bảo hiểm nên chủ xe không lo lắng nhiều. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp đã sa thải lái xe, doanh nghiệp khác lại thu vào làm, lái xe vi phạm bị tạm giữ bằng nhưng vẫn cho cầm lái, lái xe bị bắt ép do khoán lộ trình... “Xe khách khi bị xử lý vi phạm, tài xế còn giở thái độ hành hung, côn đồ với lực lượng chức năng. Có trường hợp, một số xe khách còn được bảo kê bởi những "thế lực đen" đứng ra xin khi vi phạm,” ông Linh cho hay. Ngoài ra, việc quản lý nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh xe khách về trật tự an toàn giao thông còn nhiều thiếu sót và khuyết điểm đã khiến nhiều vi phạm và tai nạn giao thông thương tâm xảy ra. Ông Linh chỉ ra bất cập: “Hiện, các văn bản quản lý Nhà nước hiện nay rất sơ hở, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh và cả cơ quan nhà nước kiểm soát.” Đưa ra dẫn chứng về dịch vụ thuê xe, ông Linh cho rằng, khi doanh nghiệp cho thuê xe thì hình thức tự quản lý rất khó. Bản chất của sự việc là đứng ra làm dịch vụ và bán nốt. Khi có vấn đề xảy ra, doanh nghiệp không thể quản lý được. Đây chính là lỗi của doanh nghiệp. Để giải quyết tận gốc vấn đề, ông Linh khẳng định: “Nếu không xử lý triệt để doanh nghiệp thì không bao giờ có thể xử lý nghiêm được vi phạm của xe khách. Cần phải đánh vào túi tiền doanh nghiệp bởi túi tiền nằm ở chính phương tiện mà doanh nghiệp sở hữu và quản lý.” “Lực lượng chức năng cần xử lý thật nghiêm lái xe. Doanh nghiệp nào có nhiều đầu xe vi phạm thì tạm đình chỉ doanh nghiệp đó. Thậm chí, nếu vi phạm nhiều lần sẽ rút giấy phép kinh doanh hoạt động của doanh nghiệp,” ông Mạnh khẳng định./.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an Thành phố Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn thủ đô đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách; trong đó có 23 vụ tai nạn xe khách làm 19 người chết, 22 người bị thương. Lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã tiến hành kiểm tra, xử lý 3.285 trường hợp, tước 601 giấy phép lái xe trên các tuyến Quốc lộ. Riêng Hà Nội, đã xử lý 8.013 xe vi phạm, tạm giữ 17 xe khách và 1.649 bộ giấy tờ. |
Việt Hùng (Vietnam+)