Xin phép lập công ty quản lý đường sắt Bến Thành-Suối Tiên

Xin phép lập công ty quản lý đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên

Thành phố Hồ Chí Minh vừa có ý kiến xin lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt đô số 1 để tiếp nhận dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên.
Xin phép lập công ty quản lý đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên ảnh 1Trụ móng trên cao của tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên chạy dọc Xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt đô thị số 1.

Theo dự thảo, việc thành lập công ty trên để chuẩn bị tổ chức bộ máy, lực lượng nhân sự, đào tạo chuyên môn quản lý điều hành, kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng… bảo đảm điều kiện tiếp nhận dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên khi hoàn thành và đưa vào khai thác.

Theo Đề án, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thanh viên Đường sắt đô thị số 1 có 100% vốn Nhà nước, do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ sở hữu. Công ty với ngành nghề chính là cung cấp dịch vụ công ích là vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện ngầm. Ngoài ra, công ty cũng sẽ khai thác các dịch vụ phục vụ hành khách, quảng cáo, dịch vụ vận chuyển kết nối, bãi giữ xe… nhằm bù đắp chi phí hoạt động kinh doanh chính.

Mức vốn điều lệ của Công ty giai đoạn 2014-2017 là 14 tỷ đồng, giai đoạn từ 2018 là 16.788 tỷ đồng, từ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh và giá trị hạng mục dự án hoàn thành chuyển giao. Giai đoạn 2014-2017, Công ty sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để quản lý vận hành và bảo dưỡng dự án hoàn thành chuyển giao. Giai đoạn từ 2018 tiến hành quản lý vận hành khai thác. Giá vé vận tải hành khách do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định, áp dụng chính sách bù giá đối với loại hình hoạt động dịch vụ công ích (vận tải hành khách công cộng).

Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết để vận hành hệ thống tuyến metro số 1, sẽ cần khoảng 1.000 cán bộ, kỹ sư, chuyên viên lấy từ Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Cao đẳng Nghề đường sắt… cũng như bổ sung từ nguồn nhân lực đang công tác trong ngành đường sắt đô thị hiện nay. Đội ngũ nhân sự này sẽ được đưa đi đào tạo tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Trong thời gian đầu quản lý vận hành, đội ngũ này sẽ có sự hỗ trợ của nhân lực nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục