Liên quan đến thông tin phía Trung Quốc thông báo về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750 ngàn tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020-chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau, Cục Bảo vệ thực vật-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận thông tin này là đúng.
Phía Trung Quốc đã yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sơ đóng gói của Đồng Tháp trong danh sách vi phạm. Trớ trêu là ở thời điểm phía Trung Quốc phát hiện vi phạm, Đồng Tháp đã hết vụ xoài.
Ngay khi nhận được thông tin về sự việc này, Cục Bảo vệ thực vật đã lập thông báo cho các đơn vị kiểm dịch cửa khẩu và địa phương để thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục hải quan đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục theo quy định.
Trong quá trình điều tra, tỉnh Đồng Tháp cho biết có tình trạng các doanh nghiệp sử dùng không đúng mã số, “mượn” mã số của nhau để tiến hành xuất khẩu. Việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của xoài Việt Nam xuất khẩu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị chủ sở hữu mã số ngay trong vụ xuất khẩu tới đây.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông-Cục Bảo vệ thực vật, trước mắt, việc này chưa gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu xoài do mùa vụ tại phía Nam đã kết thúc. Tuy nhiên, để tránh lặp lại các vi phạm tương tự cũng như tăng cường các biện pháp quản lý để không gây thiệt hại trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương nói chung và Đồng Tháp nói riêng để làm rõ việc phân công trách nhiệm, thống nhất về cách thức triển khải thực hiện và tăng cường công tác quản lý vùng trồng, không chỉ với sản phẩm xoài.
Cụ thể, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân và địa phương xuất khẩu về các quy định của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, Cục sẽ yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cho việc cấp mã số vùng trồng và tăng cường công tác giám sát đối với các mã đã cấp.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Cục Bảo vệ thực vật sẽ chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan để trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói./.