Xử lý nghiêm trường hợp gây “sốt” giá thị trường

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo phải điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp gây “sốt” giá, thông tin thất thiệt về thị trường.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tất cả những trường hợp xảy ra “sốt” giá, thông tin thất thiệt về thị trường, gây hoang mang trong dư luận cần phải được điều tra, xử lý nghiêm.

Ý kiến chỉ đạo trên được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra sáng 3/12, khi chủ trì cuộc họp trực tuyến đến 53 tỉnh, thành phố trong cả nước, để kiểm điểm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường và thống nhất những giải pháp cấp bách kiềm chế lạm phát.

Tại cuộc họp, nhận định về tình hình thị trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, thời gian qua, giá cả tại một số địa phương biến động tăng cao. Ngoài giá vàng, USD, các mặt hàng thực phẩm và vật liệu xây dựng đều tăng trong bối cảnh cân đối cung cầu, sản xuất hàng hóa vẫn được bảo đảm. Hiện tượng này có nguyên nhân từ yếu tố khách quan như giá xăng dầu, bông xơ, giấy, cao su, nhân điều..thế giới tăng.

Nguyên nhân chủ quan từ phía thị trường nội địa như giá vàng, giá USD tăng cao tác động đến tâm lý người dân, kéo theo giá cả các mặt hàng khác.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá các giải pháp từ đầu năm của bộ, ngành, địa phương mặc dù đã phát huy tác dụng nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục, nhất là khâu kiểm tra, kiểm soát thị trường. Việc triển khai công tác này cũng chưa có sự phối hợp của các ngành chức năng, trong khi đó, vi phạm về giá là rất nhiều, số vụ bị xử lý lại thấp. Chưa có cơ chế kiểm soát siêu lợi nhuận trong kinh doanh; việc điều tra, kiểm soát giá độc quyền vẫn dừng lại ở xử lý hành chính.

Đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng công tác này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, nếu không có những biện pháp kiểm soát giá, kiểm tra thị trường tốt thì tình hình giá cả trong nước sẽ còn diễn biến bất lợi hơn.

Ngoài những nguyên nhân trên, theo phân tích của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, một yếu tố khá quan trọng dẫn đến sự gia tăng của giá cả hàng hóa thời gian qua là do từ đầu tháng Chín, thực hiện lộ trình xã hội hóa về học phí, đại đa số các tỉnh trong nước đã điều chỉnh tăng học phí lên mức khá cao dẫn đến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng mang tính đột biến. Chỉ trong tháng Chín, giá hàng hóa nhóm này tại các tỉnh vùng duyên hải miền Trung tăng 34,36%, các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 30,9%...; tính chung cả nước, tháng Chín tăng 12%; tháng 10 tăng 3,9%; cả năm tăng 19,03%. Đây cũng là nhóm có chỉ số tăng giá cao nhất, góp phần đẩy mức tăng chỉ số giá chung.

Tổng hợp các ý kiến tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận, việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới vẫn là mục tiêu hàng đầu, do vậy các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp tháo gỡ sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhất là các địa phương chịu thiệt hại sau bão lụt vừa qua.

Ngoài duy trì, đẩy mạnh sản xuất, các địa phương còn phải chú ý đến công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, những vấn đề về hạ tầng, bởi đây cũng là yếu tố góp phần đội giá thành sản phẩm trên thực tế.

Phó Thủ tướng đồng ý hoãn thu lệ phí đối với các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm được quy định tại Thông tư 136 của Bộ Tài chính theo đề nghị của các địa phương. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương và các địa phương phải theo dõi thường xuyên cung cầu hàng hóa, cân đối nguồn hàng dự trữ để tránh xảy ra “sốt giá” thị trường.

Theo thông lệ, dịp Tết Nguyên đán, sức mua của người tiêu dùng trong nước tăng khoảng 20%, vì vậy, các địa phương cần thành lập các tổ kiểm tra liên ngành, phân định, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể nhất là đối với lực lượng quản lý thị trường và các ban quản lý chợ trong kiểm soát giá cả. Nếu để xảy ra tăng giá bất hợp lý trong phạm vi phụ trách thì phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính có trách nhiệm sửa đổi Nghị định xử lý vi phạm hành chính thị trường giá cả, trình Chính phủ thông qua để có chế tài đủ mạnh trong xử lý vi phạm.

Theo báo cáo của các bộ ngành, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 1,86% so với tháng trước, tăng 8,96% so với cùng kỳ năm 2009, nhiều khả năng vượt quá mức một con số, đang đặt ra bài toán khó đối với công tác kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Kiểm điểm về công tác quản lý, điều hành giá, Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong hệ thống các giải pháp từ trung ương, đến địa phương. Sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bình ổn giá từ gốc của sự hình thành, vận động của giá được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Hệ thống cung ứng hàng hóa dịch vụ chưa được sắp xếp hợp lý còn có hiện tượng độc quyền (sữa); chồng chéo, vòng vèo, tầng nấc đẩy chi phí lưu thông tăng cao khó kiểm soát như phân bón, thuốc phòng chữa bệnh, xi măng, sắt thép. Trong 11 tháng đầu năm, nhóm hàng lương thực, thực phẩm có chỉ số giá tăng cao nhất. Tuy nhiên những mặt hàng này chủ yếu được mua bán trên các chợ truyền thống (tỷ trọng siêu thị không lớn), hoạt động mua bán diễn ra phân tán, nhỏ lẻ, do đó, việc quản lý, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết còn gặp nhiều khó khăn.

Đồng tình với những giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm thắt chặt kiểm soát giá cả hàng hóa thị trường từ nay đến cuối năm, nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương tại buổi giao ban kiến nghị Chính phủ hướng trọng tâm, trọng điểm khâu kiểm tra, kiểm soát vào những mặt hàng thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ ăn uống. Đáng lưu ý, các địa phương cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung mức xử phạt vi phạm hành chính về thị trường giá cả theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục