Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong năm 2020, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định đã tiến hành kiểm tra 134.588 xe, trong đó có 14.392 xe vi phạm, tước 5.452 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 162,4 tỷ đồng.
Riêng đối với bộ cân xe quá tải do JICA tài trợ tại Km78 trên Quốc lộ 5 (thành phố Hải Phòng), sau gần 5 tháng triển khai thử nghiệm, số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49 lần (từ 6,9% của bảy tháng đầu năm 2020 xuống còn 0,14%); số xe vi phạm theo ngày đã giảm bình quân 42,9 lần, từ 176 xe/ngày xuống còn 4,1 xe/ngày.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thừa nhận kết quả nêu trên chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua đoạn đường có đặt trạm cân xe lưu động, cố định và những vị trí mà lực lượng chức năng kiểm soát bằng cân xách tay.
Đánh giá công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cơ bản vẫn được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, ông Huyện cho rằng tình trạng vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng đã giảm sâu; thị phần vận tải đang được cơ cấu lại hợp lý, có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa; góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay lực lượng Thanh tra giao thông của các Sở Giao thông Vận tải chỉ kiểm soát tải trọng xe trên các Quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương, các lực lượng khác buông lỏng nên tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại, lưu thông trên các Quốc lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa…
Thậm chí, ông Huyện còn cho biết đã xuất hiện tình trạng sử dụng xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc (loại chở container 40 feet) lắp ben thủy lực (kiểu xe ben tự đổ) và thùng chở hàng (kiểu giả container 40 feet) dùng để chở quá tải hơn 200% (than, cát, đá...), đang lưu thông trên đường bộ thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai...
“Việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, do cần phải có sự phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương, dẫn đến kết quả còn hạn chế,” người đứng đầu Tổng cục Đường bộ nhìn nhận.
[Xử lý nghiêm những trường hợp chở quá tải trọng gây hư hỏng đường]
Cho rằng vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và các quy định về vận tải chưa nghiêm, ông Huyện cho hay một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ kiểm tra tải trọng xe hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Bên cạnh đó, phía Tổng cục Đường bộ cũng chỉ ra các khó khăn trong kiểm soát xe quá tải như chế tài để xử lý vi phạm còn chưa đồng bộ, thiết bị cân kiểm tra tải trọng phương tiện còn thiếu, lực lượng trực tiếp tham gia công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn mỏng.
Đưa ra phương hướng nhiệm vụ năm 2021, ông Huyện nói lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, thanh tra đột xuất trên các đoạn đường có nhiều xe quá tải lưu thông, xe cơi nới thành thùng; tập trung kiểm tra tại các đầu nguồn hàng, khu vực cảng, bến, mỏ vật liệu, công trình, dự án lớn; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện chở hàng ra, vào Cảng, các phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.
Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc phối hợp cung cấp dữ liệu phục vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của xe ôtô chở hàng quá tải trọng, thay đổi kích thước thành thùng xe, cải tạo container thành thùng xe để chở hàng quá tải, nâng cao hiệu quả công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ.
Tổng cục cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an, các tỉnh thành tiếp tục bố trí lực lượng thực hiện xử lý nghiêm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện./.