Xuất hiện nhân tố làm chao đảo mối quan hệ Nga-Trung Quốc

Nga và Trung Quốc đang vướng vào một cuộc xung đột gần giống như một cuộc chiến thương mại "âm thầm" liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu thủy hải sản.
Xuất hiện nhân tố làm chao đảo mối quan hệ Nga-Trung Quốc ảnh 1Đánh bắt cá ở Nga. (Nguồn: TASS)

Theo trang mạng asiatimes.com, ít nhất kể từ năm 2014, Nga và Trung Quốc đã nhận thấy các lợi ích của họ mâu thuẫn với Mỹ và các đồng minh.

Không có gì ngạc nhiên khi cả Nga và Trung Quốc (và các đối thủ của họ) đều đánh giá "liên minh" này (Nga-Trung) là linh hoạt, thực dụng và dựa trên lợi ích chung, đồng thời không muốn lợi ích quốc gia của mỗi bên bị "thua thiệt," đặc biệt là lợi ích kinh tế.

Sau khi Moskva và Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung gần đây, những cuộc bàn luận sôi nổi về khả năng hình thành một mặt trận chung Nga-Trung trên mọi lĩnh vực đã xuất hiện. Mặc dù vậy, không phải mọi chuyện đều êm thấm giữa "Rồng và Gấu."

Nga và Trung Quốc đang vướng vào một cuộc xung đột gần giống như một cuộc chiến thương mại "âm thầm" liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu thủy hải sản.

Ngay từ tháng 10/2020, truyền thông Nga đã đưa tin về việc các nhà chức trách Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu thủy sản từ vùng Viễn Đông của Nga.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, lý do mà giới chức Trung Quốc đưa ra là "có dấu vết của virus SAR-COV-2 ở ngoài bao bì hải sản." Điều này có thể có một số điểm trùng với mong muốn của các nhà chức trách Trung Quốc là làm chệch hướng sự chỉ trích của quốc tế về nguồn gốc của virus SAR-COV-2.

Trong những năm trước đây, gần 60% lượng xuất khẩu hải sản của Nga chỉ xuất sang thị trường Trung Quốc. Các hạn chế của Trung Quốc vẫn đang có hiệu lực, trong khi giới chức Trung Quốc vẫn tỏ ra cứng rắn với chính sách của mình. Kinh tế vùng Viễn Đông của Nga có thể phải chịu tổn thất do doanh thu từ xuất khẩu thủy hải sản của vùng này sẽ giảm khoảng 27%.

[Đằng sau động thái 'nương tựa lẫn nhau' trong quan hệ Nga-Trung]

Tháng 3/2021, đánh giá về tình hình kinh tế Viễn Đông tụt dốc thảm hại, ông Alexei Chekunkov - Bộ trưởng Bộ Phát triển vùng Viễn Đông và Bắc Cực của Nga, đã nói sâu xa rằng ngư dân vùng Viễn Đông có thể "xóa năm 2021 ra khỏi kế hoạch làm việc của mình," ám chỉ ngư dân Viễn Đông sẽ mất công ăn việc làm và thu nhập trong năm 2021.

Hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Sakhalin Oblast và Kamchatka Krai, nơi xuất khẩu phần lớn lượng cá sang Trung Quốc.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, ngành ngư nghiệp và xuất khẩu thủy hải sản của Nga đã không chịu "ngồi yên." Họ nỗ lực triển khai nhiều biện pháp khác nhau như tìm kiếm những thị trường mới thay thế thị trường Trung Quốc, tìm kiếm sự can thiệp của chính phủ Nga đối với lĩnh vực kinh tế nhà nước và thúc đẩy các biện pháp làm dịu vấn đề tại các diễn đàn chung có sự tham gia của Trung Quốc.

Xuất hiện nhân tố làm chao đảo mối quan hệ Nga-Trung Quốc ảnh 2(Nguồn: russiabusinesstoday.com)

Về phần mình, chính phủ Nga đã lựa chọn con đường "tự lực cánh sinh" một cách đáng khen ngợi bằng việc thúc đẩy các hoạt động chế biến thủy hải sản và gia tăng các cơ sở đông lạnh ở trong nước.

Biện pháp này sẽ giúp giảm bớt và cuối cùng nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào các cơ sở của Trung Quốc trong khâu chế biến và xử lý khối lượng lớn thủy hải sản đánh bắt trước khi đến tay người tiêu dùng ở các thị trường khác trên thế giới.

Ngoài ra, chính phủ Nga còn cung cấp những khoản hỗ trợ tài chính đối với công đoạn vận chuyển thủy hải sản trong một chương trình mang tên “vận tải đường sắt ưu đãi." Biện pháp này sẽ giải quyết một phần nhỏ gánh nặng kinh tế của cuộc khủng hoảng.

Gần đây nhất, báo chí Nga thậm chí còn đưa tin về việc Bắc Kinh có thể bắt đầu gây áp lực buộc Moskva cho phép ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga mà không phải trả lệ phí. Những tin tức này dựa vào một báo cáo đánh giá do Planet Tracker, tổ chức phi chính phủ của Anh nghiên cứu về thị trường vốn thực hiện.

Báo cáo của Planet Tracker coi đây là “rủi ro trung hạn đến dài hạn” khi Trung Quốc muốn tận dụng sự phụ thuộc của Nga vào các cơ sở chế biến cá của Bắc Kinh để tạo lợi thế cho mình. Bản tin cho rằng đây có thể là mưu đồ của Trung Quốc nhằm o ép Moskva cho phép ngư dân Bắc Kinh đánh bắt cá tự do trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga.

Theo Planet Tracker, lý do đằng sau sự o ép này của Trung Quốc là lợi nhuận thu được từ việc đánh bắt cá trên vùng biển của Nga sẽ cao hơn là chỉ dừng lại ở hoạt động chế biến thủy hải sản từ Nga xuất sang.

Hơn nữa, Planet Tracker đã củng cố luận điểm của mình bằng cách chỉ ra hoạt động đánh bắt mực bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU) của Trung Quốc tại các vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia Nam Mỹ thay vì nhập khẩu hợp pháp thủy sản từ các nước này. Sự o ép này của Trung Quốc có thể là cơ hội hoàn hảo để Nhật Bản tận dụng và khai thác mối bất hòa giữa Nga và Trung Quốc.

Mặc dù cũng vướng vào những vấn đề xích mích với Moskva, song ngành đánh cá Nhật Bản luôn sẵn sàng trả chi phí cho các quyền đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Điều này đặt Nhật Bản vào vị thế tốt hơn so với Trung Quốc, quốc gia chưa đàm phán một thỏa thuận tương tự nào trong năm 2021.

Nếu không có vấn đề khúc mắc gì khác, chừng nào cuộc chiến thương mại "âm thầm" liên quan nghề đánh bắt thủy hải sản nói trên và chính sách o ép của Trung Quốc vẫn tồn tại, Moskva khó có thể ủng hộ Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản về quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục