Ngày 28/9, một báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ đã chỉ ra sơ hở của chính quyền địa phương không cập nhập hệ thống dữ liệu vốn được sử dụng để kiểm tra lý lịch khách hàng khi mua súng, là nguyên do dẫn đến "những bi kịch thảm khốc."
Theo báo cáo, một hậu quả nghiêm trọng điển hình là vụ xả súng diễn ra hồi tháng 6/2015 tại một nhà thờ, nơi tập trung nhiều người da màu tại thành phố Charleston, phía Nam bang Carolina.
Thủ phạm Dylan Roof, một người ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đã xả súng giết hại 9 dân thường.
Trước đây, Roof đã từng bị bắt giữ với tiền án là tội phạm ma túy, và lẽ ra đối tượng nên bị tước quyền mua bán vũ khí ngay từ thời điểm đó.
Báo cáo cho rằng hệ thống kiểm tra lý lịch tội phạm khẩn cấp quốc gia (NICS) hiện thiếu những dữ liệu mới và chính xác từ các cơ quan địa phương, vốn được sử dụng để ngăn chặn việc mua bán và sử dụng vũ khí.
NICS đòi hỏi các đại lý cấp phép khi thực hiện giao dịch mua bán vũ khí phải yêu cầu khách hàng điền thông tin đầy đủ vào một đơn mẫu.
Sau đó, thông tin về khách hàng này sẽ được chuyển vào hệ thống dữ liệu quốc gia.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá trong hầu như tất cả các vụ mua bán, các bang không cập nhật đầy đủ dữ liệu về kết quả của các giao dịch lên vào NICS hay cho Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Kể từ tháng 11/1998, FBI đã kiểm tra hơn 230 triệu lý lịch và từ chối cung cấp quyền sử dụng vũ khí đối với 1,3 triệu trường hợp.
Những trường hợp bị từ chối muốn được xem xét lại sẽ nộp đơn kháng cáo lên Cục kiểm soát Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ (ATF) để tiếp tục giải quyết.
Hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kể sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý.
Tình trạng bạo lực súng đạn đã khiến 90 người Mỹ thiệt mạng mỗi ngày.
Mọi nỗ lực để thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ đã bị "khai tử" trong bối cảnh đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội Mỹ./.