Xuất khẩu điện gió sang Singapore: Cơ hội lớn nhưng cần sớm có cơ chế

Cơ hội xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore có thể vuột mất nếu Việt Nam không “chốt” được cơ chế cho phát triển loại hình năng lượng tái tạo này trong vòng một năm tới. 

Trụ gió của Nhà máy Điện gió Đông Hải I. (Ảnh: TTXVN phát)
Trụ gió của Nhà máy Điện gió Đông Hải I. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 24/10/2023, phía Singapore thông báo đã phê duyệt có điều kiện cho nhập khẩu 1,2 GW điện gió ngoài khơi từ Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ hội xuất khẩu điện gió ngoài khơi này vẫn có thể vuột mất nếu Việt Nam không “chốt” được cơ chế cho phát triển loại hình năng lượng tái tạo này trong vòng một năm tới.

Cơ hội lớn

Là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhận được chấp thuận của chính phủ Singapore về việc triển khai nguyên tắc dự án trang trại điện gió ngoài khơi 2,3 GW tại Việt Nam để xuất khẩu 1,2 GW sang Quốc đảo Sư tử qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển, Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tập trung các nguồn lực cùng với Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU) - một công ty con thuộc Sembcorp Industries Ltd để triển khai các bước đầu tiên trong hợp tác đầu tư.

Hiện dự án trang trại điện gió ngoài khơi 2,3 GW này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trao Quyết định về việc chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát) cho PTSC.

Đồng thời, đối tác SCU của PTSC đã được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao Ý định thư chấp thuận dự án này.

Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết Chính phủ Singapore đã công bố kế hoạch nhập khẩu đến 4GW điện carbon thấp vào năm 2035 từ các nguồn năng lượng sạch cũng như đưa ra lộ trình đánh thuế carbon lũy tiến tăng dần để đạt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050.

Đến thời điểm này, Singapore đã phê duyệt có điều kiện nhập khẩu điện cho các dự án từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm 2GW từ Indonesia, 1GW từ Campuchia và dành 1,2GW cuối cùng cho Việt Nam.

Theo ông Lê Mạnh Cường, việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi này bước đầu có nhiều thuận lợi do PTSC nói riêng và PVN nói chung có lợi thế lớn trong triển khai các dự án ngoài khơi do có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật, về cách thức quản lý nhà thầu tại các dự án dầu khí ngoài khơi.

Đặc biệt, với vai trò nhà thầu, PTSC đã trúng thầu hơn 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất phát điện là 5,2GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD, 100% là các dự án xuất khẩu.

Bên cạnh đó, PTSC cũng là công ty đại chúng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nên việc thu xếp nguồn tài chính lớn cho dự án qua kênh huy động vốn này sẽ không khó nếu chứng minh được hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, dự án trang trại điện gió ngoài khơi công suất 2,3GW này cũng nhận được sự ủng hộ tối đa của Chính phủ Việt Nam và cam kết bao tiêu sản lượng điện gió ngoài khơi của phía Singapore.

Vì vậy, việc triển khai dự án xuất khẩu điện này thành công sẽ mang lại lợi ích lớn. như tạo ra trung tâm cung ứng chuỗi dịch vụ điện gió ngoài khơi cho khu vực và thế giới, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tăng tính gắn kết giữa các quốc gia trong ASEAN và hiện thực hoá mục tiêu kết nối mạng lưới điện trong ASEAN. Việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi cũng có thể tạo ra các trạm sản xuất hydro xanh-

Ngoài ra, Việt Nam lại có nhu cầu phát triển đường cáp quang viễn thông sang Singapore. Vì vậy, nếu phát triển đường cáp ngầm truyền tải điện của dự án này sang Singapore kết hợp với đường cáp quang viễn thông thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ lớn do có thể giảm chi phí vận hành bảo dưỡng, chi phí chế tạo, chi phí quản lý vận hành, Tổng giám đốc PTSC cho biết.

Dự án vẫn phải chờ cơ chế

Mặc dù Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore (EMA) đã phê duyệt có điều kiện cho SCU nhập khẩu 1,2GW điện gió ngoài khơi từ Việt Nam thông qua hợp tác với PTSC nhưng phía Singapore vẫn có thể “xoay trục” tìm nhà phát triển khác với 1,2GW điện gió ngoài khơi nếu trong vòng 1 năm tới phía Việt Nam không thể chốt được cơ chế cho việc triển khai.

2211diengio2.jpg
(Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngay từ đầu phía Singapore đã đặt ra mục tiêu giá điện khoảng 22 cent/kWh và các bên sẽ phải tối ưu giá thành sản xuất. Tuy nhiên, mấu chốt để triển khai dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi đầu tiên này là cơ chế cụ thể vẫn chưa được cơ quan quản lý của Việt Nam xây dựng, ông Lê Mạnh Cường cho biết.

Không chỉ PTSC đang lo lắng cho việc triển khai dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi, trong buổi làm việc giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau và đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/8/2023, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã có tờ trình gửi Bộ Công Thương đề xuất kế hoạch xuất khẩu điện các năm 2031, 2035 và 2040 lần lượt là khoảng 2.000MW, 3.000MW và 5.000MW với các nguồn điện xuất khẩu gồm điện gió ngoài khơi, các nguồn điện gió trên bờ và gần bờ, các nguồn điện mặt trời, các nguồn điện sinh khối, hệ thống tích trữ năng lượng (BESS).

Tuy nhiên, xuất khẩu điện là vấn đề mới, còn vướng các quy định về điện lực và nhiều vấn đề khác như quản lý biển, môi trường, quốc phòng an ninh. Vì vậy, Cà Mau đã đề nghị cấp thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện dự án năng lượng tái tạo không nối lưới để sản xuất Hydrogen và xuất khẩu điện.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, cho biết dự án điện gió ngoài khơi có tính chất phức tạp, suất đầu tư lớn lại phải qua nhiều khâu khảo sát xây dựng, nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng báo cáo khả thi mới có thể ra quyết định đầu tư cuối cùng và thu xếp vốn cho dự án.

Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư dự án điện gió ngoài khơi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhất là giá đầu ra có tính cạnh tranh nên cần có các cơ chế chính sách đủ hấp dẫn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư quyết tâm rót vốn vào lĩnh vực phức tạp này.

Thực tế là các cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi vẫn chưa rõ ràng, các quy định chưa đầy đủ nên nhiều dự án điện gió ngoài khơi gặp không ít vướng mắc ngay từ khâu đầu tiên là khảo sát, thử nghiệm. Do vậy, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, tạo tiền đề trước mắt cho các nhà đầu tư thử nghiệm khảo sát mới có thể triển khai, ông Thập khẳng định.

Thực tế là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị “về định hướng Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” không đưa ra mục tiêu cụ thể về xuất khẩu điện gió ngoài khơi nên cần phải có chủ trương cụ thể hơn mới có cơ sở triển khai thực hiện.

Theo Bộ Công Thương, quy hoạch không gian biển quốc gia đến thời điểm này cũng chưa được phê duyệt, nên việc lựa chọn các vị trí điện gió ngoài khơi phục vụ cho hoạt động xuất khẩu điện gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, những quy định pháp luật hiện vẫn chưa xác định được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với loại hình điện gió ngoài khơi trong Luật Đầu tư năm 2020; chưa có các quy định về trình tự, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án điện gió ngoài khơi; chưa có chính sách, cơ chế giá cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, việc xuất khẩu điện sang Singapore thông qua đường cáp ngầm dưới biển và không qua hệ thống điện quốc gia cũng chưa có quy định cụ thể.

Trong khi đó, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, việc triển khai một dự án điện gió ngoài khơi từ lúc khảo sát địa điểm đến khi có thể phát điện thương mại thường mất từ 6-8 năm.

Vì vậy, việc sớm xây dựng cơ chế chính sách cho việc phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo đầy tiềm năng này là thực sự cấp bách để dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam sang Singapore cũng như nhiều dự án xuất khẩu điện gió khác trong tương lai không bị rơi vào “ô mất lượt”./.

Tin cùng chuyên mục