Vướng mắc trong giải quyết khiếu nại về dự án điện gió ở Gia Lai

Sau nhiều lần đối thoại giữa người dân bị ảnh hưởng và doanh nghiệp, đến nay các bên vẫn chưa thỏa thuận được mức hỗ trợ khiến khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua.
Vướng mắc trong giải quyết khiếu nại về dự án điện gió ở Gia Lai ảnh 1Nhiều nhà dân tại xã Ia Le cách trụ điện gió chỉ vài chục mét. (Ảnh: TTXVN phát)

Thời gian qua, có 93 hộ dân xã Ia Le (huyện Chư Pưh) có đơn kiến nghị, phản ánh liên quan đến Dự án nhà máy điện gió Ia Le 1 của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 về việc cánh quạt điện gió của các dự án làm ảnh hưởng đến đất, tài sản của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy cơ mất an toàn.

Các hộ dân yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực thuộc hành lang an toàn cột tháp gió, hỗ trợ di dời nhà ra khỏi hành lang an toàn (300 m tính từ chân trụ tháp gió) theo quy định tại khoản 10, Điều 2 và Điều 11 Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương.

Theo ông Rcom Jen - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện vẫn còn một số vướng mắc chưa giải quyết được như cánh quạt tuabin ảnh hưởng không gian theo chiều thẳng đứng với bán kính từ 70 - 80 m từ tâm cột tháp gió đến thửa đất của người dân; chưa có quy định về việc bồi thường, hỗ trợ đối với đất đai và tài sản trên đất nằm trong hành lang an toàn bảo vệ lưới điện cao áp; tiếng ồn lớn, gió và nước mưa văng theo cánh quạt, giảm giá trị lô đất, giảm năng suất lao động…

Liên quan đến các kiến nghị của người dân, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Hoàng Tiến Dũng đã có công văn số 4329/BCT-ĐL trả lời. Theo công văn này thì ngày 15/1/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BCT quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió; trong đó, khoản 2 Điều 2 Thông tư 02 là giải thích về “Bên bán điện.”

Thông tư 02 có một số quy định như sau: (i) Khoản 9 Điều 2 “Hành lang an toàn công trình điện gió là hành lang an toàn của cột tháp gió, đường dây truyền tải điện, trạm biến áp và các hạng mục phụ trợ”; (ii) Khoản 10 Điều 2 “Hành lang an toàn của cột tháp gió là nửa hình cầu, có tâm là tâm của chân cột tháp gió, bán kính bằng chiều cao cột tháp gió cộng với bán kính cánh quạt  tua bin”; (iii) Khoản 2 Điều 11 “Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m.”

[Gia Lai: Cần sớm giải quyết khiếu nại liên quan các dự án điện gió]

Vì thế, Bộ Công Thương khẳng định, Thông tư 02 không có nội dung quy định “hành lang an toàn cột tháp gió phải là 300 m” như đề cập của các hộ dân trong Công văn số 1015 /Ủy ban Nhân dân- CNXD của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai. Việc xác định hành lang an toàn công trình điện gió và hành lang an toàn của cột tháp gió được thực hiện theo quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều 2 Thông tư 02.

Bộ Công Thương cũng lưu ý, hành lang an toàn công trình điện gió và hành lang an toàn của cột tháp sẽ được xác định đối với từng dự án cụ thể.

Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đã có phản ánh, từ khi dự án điện gió triển khai xây dựng và có phát sinh các khiếu nại, kiến nghị của các hộ dân. 

Các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã nhiều lần đối thoại giữa người dân bị ảnh hưởng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các bên vẫn không đạt được thỏa thuận được mức hỗ trợ khiến khiếu kiện, khiếu nại kéo dài trong thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục