Thời gian qua, sau khi các dự án điện gió hình thành, tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, xảy ra khiếu kiện, khiếu nại giữa người dân và các chủ đầu tư dự án.
Dù đã có nhiều cuộc đối thoại giữa người dân, chính quyền và các chủ đầu tư nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Khiếu kiện, khiếu nại kéo dài
93 hộ dân xã Ia Le, huyện Chư Pưh có đơn kiến nghị liên quan đến Dự án nhà máy điện gió Ia Le 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Điện gió Cao Nguyên 1.
Theo người dân, cánh quạt điện gió đã làm ảnh hưởng đến đất, tài sản của các gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy cơ mất an toàn.
Các hộ dân yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực thuộc hành lang an toàn cột tháp gió, hỗ trợ di dời nhà ra khỏi hành lang an toàn (300m tính từ chân trụ tháp gió) theo quy định tại khoản 10, Điều 2 và Điều 11 Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương.
Từ khi Dự án Điện gió triển khai xây dựng và có phát sinh khiếu nại, kiến nghị của các hộ dân, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Pưh đã quan tâm chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, đối thoại, giải thích các quy định pháp luật để người dân hiểu, đồng thuận.
[Gia Lai: Người dân bức xúc vì chủ đầu tư dự án điện gió chây ỳ]
Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức 6 buổi đối thoại với các bên có liên quan, làm việc với các nhà đầu tư Dự án điện gió để cùng tìm phương án cụ thể trong hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại giữa người dân và chủ đầu tư các dự án điện gió vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.
Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chư Pưh, cho biết Ủy ban Nhân dân huyện đã nhiều lần đối thoại, tuyên truyền, vận động và tổ chức đối thoại về mức bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay các bên vẫn không thỏa thuận được mức hỗ trợ.
“Ban đầu Công ty đưa ra mức hỗ trợ tối đa là 10% giá tài sản theo Quyết định số 09/2018/QĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 21/3/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh; còn người dân thì đề nghị giải quyết dứt điểm một lần và không thống nhất với mức hỗ trợ mà Công ty đưa ra.
Sau nhiều lần làm việc, phía Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 đề xuất mức hỗ trợ tối đa giá trị tài sản lên 60%, đồng thời sẽ bố trí tái định cư đối với 4 hộ có nhà ở trong khu vực và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cánh quạt gió. Hiện đã có 3/4 hộ thống nhất với phương án trên,” ông Nguyễn Minh Tứ cho hay.
Gặp khó do…quy định
Theo ông Nguyễn Minh Tứ, việc tìm phương án hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án điện gió gặp khó là do pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể mức bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió như xác định diện tích đất bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, tính toán mức bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, chuồng trại, gia súc... Tất cả đang chờ hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Bên cạnh đó, hiện chưa có văn bản hướng dẫn nên chưa có cơ sở làm căn cứ để Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ dứt điểm 1 lần.
Công ty đề xuất trước mắt hỗ trợ cho các hộ có nhà ở trực tiếp dưới cánh quạt được di dời, đồng thời tính toán mức hỗ trợ về sản xuất và các công trình xây dựng theo quy định. Việc hỗ trợ hạn chế đất, cây cối, hoa màu sau khi có hướng dẫn Công ty sẽ tiến hành hỗ trợ theo quy định.
Một số hộ dân mong muốn được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng, đề nghị giải quyết dứt điểm một lần; không đồng ý để Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 chạy vận hành các trụ gió khi chưa giải quyết xong việc bồi thường, hỗ trợ.
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân huyện Chư Pưh kiến nghị các cấp có thẩm quyền có ý kiến với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm hướng dẫn cụ thể về chính sách hỗ trợ liên quan đến diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió, làm cơ sở để giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân, tránh hình thành điểm “nóng,” đơn thư kiến nghị vượt cấp./.