Ngày 25/9, Trưởng Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), bà Trần Bích Ngọc cho biết hiện nay mặt hàng tôm hùm đã xuất khẩu sang Trung Quốc bình thường tại lối mở cầu phao tạm km3+4 Hải Yên (Móng Cái).
Trước đó, từ ngày 20/9, lực lượng chức năng cửa khẩu của phía Trung Quốc đã thay đổi chính sách tiến hành kiểm tra 100% hàng hóa là mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc, thay vì chỉ kiểm tra từ 20-30% như trước kia.
[Quảng Ninh: Xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái tăng cao]
Điều này khiến thời gian thông quan đối với hàng hóa tôm kéo dài, dẫn đến tình trạng bị ùn ứ hàng tại cửa khẩu.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, sự việc chỉ xảy ra 2 ngày, sau đó việc xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã đi vào ổn định bởi lực lượng chức năng phía Trung Quốc đã được tăng cường để kiểm tra hàng hóa tôm hùm.
Bên cạnh đó, các thương gia trong nước đã có sự điều chỉnh lượng tôm lên cửa khẩu sao cho phù hợp với mức độ thông quan.
Hiện nay, không còn tình trạng ùn ứ mặt hàng tôm hùm ở các cửa khẩu, lối mở tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.
Nếu như trước đây khi lực lượng chức năng Trung Quốc chưa tăng cường kiểm tra hàng hóa, thì mỗi ngày tại lối mở cầu phao tạm km3+4 Hải Yên, lượng tôm hùm xuất khẩu được khoảng 40-50 tấn.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, lượng tôm hùm xuất khẩu đạt khoảng 30 tấn/ngày.
Còn theo thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), tính đến 15h ngày 22/9, toàn bộ các mặt hàng thủy sản của doanh nghiệp, cư dân biên giới xuất khẩu qua Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, thành phố Móng Cái, đã được xuất sang Trung Quốc. Hiện không còn xe hàng nào tồn đọng tại khu vực cảng.
Cụ thể, ngày 22/9, đã có 65 xe hàng thủy sản tươi sống, thủy sản đông lạnh của các doanh nghiệp, cư dân biên giới xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có 45 xe tôm hùm, 20 xe cua, ngao, ốc.
Trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn thành phố Móng Cái đạt hơn 1,78 tỷ USD, với hơn 760 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái.
Trước đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có văn bản gửi Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đề nghị làm rõ thông tin về kiểm dịch trong quá trình thông quan thủy sản Việt Nam và đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các Trung tâm chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng cung cấp thông tin cập nhật đến các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục cấp chứng thư, đề nghị doanh nghiệp chủ động thông tin, kế hoạch xuất khẩu, điều kiện vận chuyển bảo quản để tránh rủi ro thiệt hại.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thông tin liên lạc với nhà nhập khẩu Trung Quốc để cập nhật tình hình, khả năng thông quan trước khi thống nhất đơn hàng, tổ chức vận chuyển, bao gói xuất khẩu thủy sản sống qua cặp cửa khẩu Móng Cái-Đông Hưng.
Các doanh nghiệp cũng được khuyến cáo có phương án dự phòng để lô hàng thủy sản sống được bảo quản trong điều kiện tốt nhất nhằm duy trì khả năng sống của thủy sản trong điều kiện thời gian vận chuyển, chờ kiểm tra thông quan nhập khẩu bị kéo dài.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng đề nghị phía Hải quan Nam Ninh - Trung Quốc làm rõ thông tin về kiểm dịch và đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Theo thống kê của cơ quan chức năng Trung Quốc, tổng kim ngạch thủy sản được nước này nhập khẩu năm 2022 là 19,13 tỷ USD. Các quốc gia cung ứng thủy sản chủ chốt cho Trung Quốc là Ecuador (chiếm 18,6%), Nga (chiếm 14,4%), Việt Nam (chiếm 8,8%), Ấn Độ (chiếm 6,6%); nguồn cung từ Nhật Bản khoảng 3%./.