Xuất khẩu tôm khó đạt mục tiêu hơn 3 tỷ USD trong năm nay

Nguyên liệu tôm khan hiếm, giá tôm nguyên liệu cao hơn so với giá chào bán xuất khẩu, nhiều thị trường nhập khẩu tôm đẩy mạnh các rào cản kỹ thuật… là những nguyên nhân khiến xuất khẩu gặp khó.
Xuất khẩu tôm khó đạt mục tiêu hơn 3 tỷ USD trong năm nay ảnh 1Chế biến tôm xuất khẩu tại Hậu Giang. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Nguyên liệu tôm khan hiếm, giá tôm nguyên liệu cao hơn so với giá chào bán xuất khẩu, nhiều thị trường nhập khẩu tôm bắt đầu đẩy mạnh các rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước… là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, và đe dọa mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỷ USD trong năm nay khó như kế hoạch.

Xuất khẩu bị thua lỗ vì giá nguyên liệu tăng

Theo đại diện các cơ sở thu mua, chế biến tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian gần đây, giá tôm thẻ nguyên liệu đang tăng khá cao, nhất là so với trước Tết Nguyên đán.

Chị Nguyễn Thị Ơi, chủ vựa thu mua tôm ở huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết, so với thời điểm trước Tết âm lịch, hiện hầu hết các loại tôm thẻ chân trắng và tôm sú đều tăng từ 20.000-40.000 đồng/kg tùy chất lượng tôm.

Cụ thể, đối với loại tôm có kích cỡ 30 con/kg có giá dao động từ 220.000-230.000 đồng/kg, loại 40 con/kg hiện có giá 190.000-200.000 đồng/kg và loại tôm 50 con/kg có giá 170.000 đồng/kg… Với mức giá này, chủ yếu các vựa tôm chỉ gom hàng để cung cấp cho tiểu thương ở các chợ, còn các doanh nghiệp thu mua tôm để chế biến, xuất khẩu khá ít.

Với kinh nghiệm sản xuất tôm nhiều năm nay, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) Nguyễn Văn Nhiệm cho hay, theo quy luật, vào thời gian trước và sau Tết âm lịch khoảng hai tháng, giá tôm trong nước thường sẽ tăng cao, do nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới tăng. Đây cũng là thời điểm việc thả nuôi tôm gặp nhiều bất lợi bởi thời tiết không thuận, tôm bị bệnh nhiều nên năng suất, sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu. Tuy vậy, tình trạng khan hiếm năm nay cao hơn các năm trước, do nhu cầu tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc khá lớn, xuất khẩu sang thị trường này liên tục tăng mạnh.

Đáng chú ý, theo một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, giá tôm nội địa đang cao hơn giá tôm xuất khẩu của doanh nghiệp chào bán trên thị trường. Điều này khiến cho con tôm Việt khó cạnh tranh được với tôm Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan… về giá bán. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ mua nguyên liệu một cách cầm chừng để duy trì hoạt động của nhà máy và trả nợ các hợp đồng đã ký.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), ngoài yếu tố cung-cầu thị trường, sở dĩ giá tôm nguyên liệu tăng cao hơn so với giá xuất khẩu là do chi phí sản xuất của Việt Nam còn quá cao. Thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y… chiếm tới hơn 70% tổng chi phí cho mỗi chu kỳ nuôi tôm. Trong khi đó, hầu hết chi phí đầu vào này lại phụ thuộc hoàn toàn vào các tập đoàn nước ngoài, khiến giá thành sản xuất tôm Việt luôn cao hơn so với các nước khác.

“Mặc dù nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn tăng cao, nhưng giá tôm thế giới lại không tăng, bởi Ấn Độ và Indonesia cũng bắt đầu sản xuất tôm với giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam lại đang cao hơn giá tôm xuất khẩu. Từ quý 4/2016 đến nay, giá tôm trong nước cao đến mức tất cả các mã hàng tôm xuất khẩu đều trong tình trạng thua lỗ. Với mức giá thu mua nguyên liệu như hiện nay thì không doanh nghiệp nào dám mua vào để chế biến," ông Lĩnh cho biết.

Theo các doanh nghiệp, tình hình giá tôm nguyên liệu chỉ có thể được cải thiện từ tháng Năm trở đi, khi diện tích tôm hiện đang được người dân thả nuôi bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Rào cản kỹ thuật ngày càng tăng

Không chỉ đang gặp khó ở vấn đề nguyên liệu chế biến hay điều kiện nuôi trồng, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về rào cản kỹ thuật và thương mại tại các thị trường chủ lực như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ngay từ đầu năm, Chính phủ Australia thực thi lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín, kể cả tôm đã được tẩm ướp dùng cho người vào thị trường này, do liên quan đến dịch bệnh virus đốm trắng ở tôm nuôi của nước này. Trong khi đó, Việt Nam hiện là một trong những nhà cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường Australia, chiếm tỷ trọng khoảng trên 30% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc Chính phủ Australia thay đổi đột ngột không cho thời gian thay đổi chuyển tiếp đã gây cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường này gặp rất nhiền khó khăn và thiệt hại rất lớn, vì hầu hết các lô tôm đã tẩm ướp theo yêu cầu của thị trường Australia thì không tiêu thụ được ở thị trường nào khác.

Không chỉ riêng ở thị trường Australia, mới đây Bộ Thủy sản và Hải dương Hàn Quốc (MOF) đã thông báo sẽ kiểm dịch với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào nước này, trong đó có mặt hàng tôm mà Việt Nam đang là nhà cung cấp lớn nhất. Cụ thể, kể từ 1/4, tất cả thủy sản nuôi và tự nhiên nhập khẩu vào Hàn Quốc đều phải có chứng thư nhập khẩu, do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, ngay sau khi FTA Việt Nam-Hàn Quốc chính thức có hiệu lực, 10.000 tấn tôm của Việt Nam vào thị trường này đã được hưởng thuế suất 0%. Trong khi đó, Thái Lan, Indonesia, Malaysia chỉ được cấp hạn ngạch 5.000 tấn. Cơ hội này giúp tôm Việt Nam dễ dàng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, thách thức mà Hàn Quốc dành cho tôm Việt Nam là sẽ siết chặt hơn về vấn đề chất lượng.

Trong năm 2016, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu tăng cường kiểm tra đối với các lô hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, do phát hiện chỉ tiêu AOZ (thuộc nhóm hóa chất kháng sinh Nitrofurans) có trong một số sản phẩm tôm đông lạnh đang được lưu thông trên thị trường này. Theo đó, các lô hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam phải chịu tần suất kiểm tra lên đến 10%. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi nhập vào thị trường này.

Ngoài rào cản kỹ thuật, xuất khẩu tôm trong năm nay vẫn tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ở các thị trường chủ lực, thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ còn cao… Tuy vậy, với bối cảnh nguyên liệu và rào cản thị trường như hiện nay, để đạt được mục tiêu xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD vào năm nay và 10 tỷ USD trước năm 2025 thì cần sự nỗ lực rất lớn của cả ngành tôm trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục