Xúc động “Chuyện lạ của một chiến sỹ đặc công”

Sự phát hiện độc đáo của tác giả và biện pháp nghệ thuật chân thực, sinh động đã hiển hiện lên nhân vật "kỳ lạ" nhưng lại gần gũi.
“Ở đời có nhiều cách để đền ơn với những người có công với đất nước. Viết sách về sự anh dũng, đức hy sinh của họ cũng là một cách để đền ơn.”

Đây là lời tâm sự của giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong buổi Hội thảo về cuốn sách “Chuyện lạ của một chiến sĩ đặc công” vào sáng ngày 27/7/2010, tại Hà Nội.

Buổi hội thảo sách do Tạp chí Văn Hiến, Nhà xuất bản Dân trí kết hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

“Chuyện lạ của một chiến sỹ đặc công” là một cuốn bút ký của Giáo sư Hoàng Chương. Sách viết về chiến sỹ đặc công Lê Văn Hinh, người có tài “xuất quỷ nhập thần” đã lập nhiều chiến công trong các trận chiến như chiến thắng Rạch Giá, chiến dịch chống di cư vào miền Nam, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...

Ông đã cùng với một số đồng chí, chui vào ngục tối, xuyên rừng Trường Sơn, chịu đựng đói khát, gian khổ cứu cho được nhà hoạt động chính trị nổi tiếng Dương Bạch Mai. Ngoài ra, ông còn là người cứu cô bé Trương Mỹ Hoa (sau này là Phó chủ tịch nước Việt Nam) khỏi chết đuối.

Chiến tranh kết thúc, ông mang trong mình thương tật hạng 2/4. Tuy nhiên, do lý lịch không rõ ràng nên ông không được kết nạp vào Đảng cũng như tuyên thưởng xứng đáng.

Trong cuốn bút ký "Chuyện lạ của một chiến sỹ đặc công", giáo sư Hoàng Chương đã dựng lại một bức tranh chân thực về đời sống của người chiến sĩ cách mạng này.

Trong buổi hội thảo về cuốn sách “Chuyện lạ của một chiến sĩ đặc công”, tiến sĩ Phạm Việt Long, Tổng biên tập Tạp chí Văn Hiến đã nhận xét, đây là một tác phẩm thành công nhờ sự phát hiện độc đáo và biện pháp nghệ thuật chân thực, sinh động.

Đồng tình với tiến sĩ Phạm Việt Long, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: “Cái thật của đời sống đi thẳng vào văn học không cần sự tô vẽ nào. Chúng ta bị thuyết phục bởi con người ‘kỳ lạ’ như Lê Văn Hinh. Cuốn sách đã góp phần giải mã sự chiến thắng của cách mạng Việt Nam trước những đế quốc, thực dân sừng sỏ trên thế giới.”

Còn nhà văn Trung Nông cho rằng, nhân vật trong cuốn sách này phi thường mà cũng rất đời thường. Ông là tấm gương về về sự thông minh, ngoan cường, sáng tạo, tuyệt đối trung thành với cách mạng trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Nhờ đó, cuốn sách thức dậy trong chúng ta lòng biết ơn các anh hùng đã đổ xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Xúc động trong buổi hội thảo, ông Vũ Oanh, Nguyên ủy viên Bộ chính trị nhận xét: “Chúng ta hết sức tự hào về binh chủng đặc công của Việt Nam. Còn nhiều chiến công mà chúng ta chưa phát hiện ra. Tuy Lê Văn Hinh không đòi hỏi nhưng chúng ta phải có trách nhiệm đền ơn, đáp nghĩa với con người ‘tận trung với nước, tận hiếu với dân’ này. Sách về Hinh là cuốn sách dành cho mọi người.”

Theo bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Nhà xuất bản Dân trí, cuốn “Chuyện lạ của một chiến sỹ đặc công” được xuất bản cuối năm 2009. Ngay sau khi ra đời, sách đã được đông đảo bạn đọc trên cả nước đón nhận và có phản hồi tích cực. Nếu được sự đồng ý của giáo sư Hoàng Chương, Nhà xuất bản Dân trí sẽ tiếp tục cho tái bản cuốn sách này./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục