Họ không phải là những nhà văn hóa đi điền dã, cũng chưa hẳn là những Phật tử… nhưng ở đâu có lễ hội là họ lại có mặt.
Những ngày đầu năm mới, họ tạm gác lại công việc nhà nông, gửi con để tranh thủ “kiếm cơm” bằng việc bán hàng tại các lễ hội.
Bỏ dở Tết, bán hàng rong
Mồng 2 Tết, vợ chồng anh Nguyễn Đình Mễ, người làng Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên đã lục tục khăn gói rời gia đình để lang thang đến các lễ hội. “Hành lý” của anh là hai bao tải đồ chơi to quá người, đôi bạt cũ và dăm lạng thuốc lào hút vặt. Và, mùa chạy hội của anh Mễ bắt đầu.
Với thâm niên hơn chục năm "ăn theo" lễ hội, anh Mễ bảo rằng, cái cực nhất của nghề này là phải xa nhà, lang thang ngay trong khi người ta đang vui vẻ, quần tụ cùng mâm cơm ngày Tết với gia đình.
Chỉ tay vào đống gia sản đang được bày la liệt trước cổng lễ tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam), anh Mễ cho hay mặc dù mới là mùng 6 tháng Giêng, nhưng đây không phải là điểm dừng chân đầu tiên của anh chị. Trước đó, anh Mễ đã “mở hàng khai xuân” tại nhiều lễ hội, đình chùa khác.
Hội này hết, anh lại vác hàng lên chiếc xe máy cà tàng để chạy về cho kịp hội khác. Nếu gặp những lễ hội trùng nhau, anh chị chia ra hoặc tập trung vào những lễ hội đông người tham gia.
“Từ giờ đến hết Rằm, chúng tôi còn phải đi thêm dăm, bảy lễ hội nữa. Thậm chí có những hội dài như Chùa Hương, Yên Tử, chúng tôi phải ‘cắm chốt’ cả tháng trời,” anh Mễ nói.
Tại sân chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội), chị Mai (xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội) tay thoăn thoắt nướng cá chỉ vàng cho khách, vừa kể rằng làng chị cũng có độ hơn 10 người đi bán hàng tại các lễ hội.
Hành lý của chị, chỉ là vài cân cá chỉ vàng, cá mực với một chai tương ớt, mấy cái đĩa nhựa và một bếp than củi, mấy chai cồn. Tất cả được “gói gọn” trong 1 chiếc làn.
Cũng như anh Mễ, chị Mai đi từ hội này xuyên hội khác. Hết hội thì mới quay lại với gia đình.
Đi nhiều là thế, nhưng những người như Mễ, chị Mai rất hiếm khi được xem hội một cách đúng nghĩa. Thông thường, mỗi một nơi, những người bán chỉ dừng lại trong một ngày chính hội. Họ đến từ rất sớm, chọn một chỗ đất phẳng, đông người qua lại để trải bạt bày hàng và cố thủ luôn tại trận địa của mình cho đến khi tan hội.
Cũng theo anh Mễ, đa phần những người làm nghề này đều tương đối khó khăn. Cuối năm, khi các nhà sắm Tết, họ lại phải dồn tiền lên Lạng Sơn hay Móng Cái đánh hàng chuyến về bán.
Kỹ nghệ giữ chỗ bán hàng
Chạy hội “tha hương” đầu năm nên những người như chị Mai, anh Mễ phải có “kỹ nghệ” riêng để tìm đất bán hàng đầu năm.
“Hàng của mình không cần chỗ rộng, nên nếu không tìm được chỗ trống nào xung quanh hội, tôi đành phải thuê một góc của người khác với giá chừng 50.000 đồng,” chị Mai cho biết.
Anh Trần Văn Xuyên (Ninh Vân, Ninh Bình) thì kể rằng, những năm trước anh phải có cả “cuộc hành trình” để đi tìm “chỗ cắm quán” ở chợ Viềng, Nam Định. Gian hàng của anh chỉ bán mía đỏ, đồ chơi và nước uống nên anh không thuê đất trong khu vực chợ để bán. Do đó, anh phải đến chợ từ rất sớm và “xí” lấy một chỗ ven đường cái.
“Hì hục dựng được cái chòi nhỏ chưa được bao lâu thì đã có người trong làng ra hùng hổ đòi chỗ. Nghĩ mình lạ nước lạ cái, tôi cùng vợ lại lầm lũi chuyển quán ra chỗ khác cách chợ gần 2km,” anh Xuyên ngậm ngùi.
Có người “khôn” hơn, khi bán hàng ở lễ hội thì “bắt quen” với một nhà dân ở đó. Rồi cuối năm, họ đến biếu quà Tết rồi “tiện thể” nhờ xí chỗ hộ hoặc cho phép bán hàng ở trước hay cạnh cửa nhà đó.
Thậm chí, có những người quen nhau ở lễ hội, khi đến trước bèn dựng lều, cắm cọc xí chỗ cho nhau. Anh Mễ bảo, đi bán hàng với nhau nhiều năm thì quen, dần thành thân nên việc giúp đỡ ấy cũng là lẽ thường tình…
Bán hàng ở các lễ hội, nhiều người cũng kiếm cho mình được kha khá tiền. Như chị Mai, một ngày bán cá chỉ vàng, mực nướng cũng giúp cho chị “đút túi” từ 100.000 đồng – 200.000 đồng. Dẫu vậy họ vẫn ngay ngáy lo cho nhà cửa, con cái ở nhà.
“Mỗi lần đi vài ngày, ngày nào tôi cũng phải gọi điện về cho gia đình xem con cái ra sao,” chị Mai nói.
Chị bảo, kết thúc hội chùa Đậu, chị sẽ lại khăn gói quả mướp xuôi về Đền Trần (Nam Định) chờ ngày… lĩnh ấn./.
Những ngày đầu năm mới, họ tạm gác lại công việc nhà nông, gửi con để tranh thủ “kiếm cơm” bằng việc bán hàng tại các lễ hội.
Bỏ dở Tết, bán hàng rong
Mồng 2 Tết, vợ chồng anh Nguyễn Đình Mễ, người làng Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên đã lục tục khăn gói rời gia đình để lang thang đến các lễ hội. “Hành lý” của anh là hai bao tải đồ chơi to quá người, đôi bạt cũ và dăm lạng thuốc lào hút vặt. Và, mùa chạy hội của anh Mễ bắt đầu.
Với thâm niên hơn chục năm "ăn theo" lễ hội, anh Mễ bảo rằng, cái cực nhất của nghề này là phải xa nhà, lang thang ngay trong khi người ta đang vui vẻ, quần tụ cùng mâm cơm ngày Tết với gia đình.
Chỉ tay vào đống gia sản đang được bày la liệt trước cổng lễ tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam), anh Mễ cho hay mặc dù mới là mùng 6 tháng Giêng, nhưng đây không phải là điểm dừng chân đầu tiên của anh chị. Trước đó, anh Mễ đã “mở hàng khai xuân” tại nhiều lễ hội, đình chùa khác.
Hội này hết, anh lại vác hàng lên chiếc xe máy cà tàng để chạy về cho kịp hội khác. Nếu gặp những lễ hội trùng nhau, anh chị chia ra hoặc tập trung vào những lễ hội đông người tham gia.
“Từ giờ đến hết Rằm, chúng tôi còn phải đi thêm dăm, bảy lễ hội nữa. Thậm chí có những hội dài như Chùa Hương, Yên Tử, chúng tôi phải ‘cắm chốt’ cả tháng trời,” anh Mễ nói.
Tại sân chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội), chị Mai (xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội) tay thoăn thoắt nướng cá chỉ vàng cho khách, vừa kể rằng làng chị cũng có độ hơn 10 người đi bán hàng tại các lễ hội.
Hành lý của chị, chỉ là vài cân cá chỉ vàng, cá mực với một chai tương ớt, mấy cái đĩa nhựa và một bếp than củi, mấy chai cồn. Tất cả được “gói gọn” trong 1 chiếc làn.
Cũng như anh Mễ, chị Mai đi từ hội này xuyên hội khác. Hết hội thì mới quay lại với gia đình.
Đi nhiều là thế, nhưng những người như Mễ, chị Mai rất hiếm khi được xem hội một cách đúng nghĩa. Thông thường, mỗi một nơi, những người bán chỉ dừng lại trong một ngày chính hội. Họ đến từ rất sớm, chọn một chỗ đất phẳng, đông người qua lại để trải bạt bày hàng và cố thủ luôn tại trận địa của mình cho đến khi tan hội.
Cũng theo anh Mễ, đa phần những người làm nghề này đều tương đối khó khăn. Cuối năm, khi các nhà sắm Tết, họ lại phải dồn tiền lên Lạng Sơn hay Móng Cái đánh hàng chuyến về bán.
Kỹ nghệ giữ chỗ bán hàng
Chạy hội “tha hương” đầu năm nên những người như chị Mai, anh Mễ phải có “kỹ nghệ” riêng để tìm đất bán hàng đầu năm.
“Hàng của mình không cần chỗ rộng, nên nếu không tìm được chỗ trống nào xung quanh hội, tôi đành phải thuê một góc của người khác với giá chừng 50.000 đồng,” chị Mai cho biết.
Anh Trần Văn Xuyên (Ninh Vân, Ninh Bình) thì kể rằng, những năm trước anh phải có cả “cuộc hành trình” để đi tìm “chỗ cắm quán” ở chợ Viềng, Nam Định. Gian hàng của anh chỉ bán mía đỏ, đồ chơi và nước uống nên anh không thuê đất trong khu vực chợ để bán. Do đó, anh phải đến chợ từ rất sớm và “xí” lấy một chỗ ven đường cái.
“Hì hục dựng được cái chòi nhỏ chưa được bao lâu thì đã có người trong làng ra hùng hổ đòi chỗ. Nghĩ mình lạ nước lạ cái, tôi cùng vợ lại lầm lũi chuyển quán ra chỗ khác cách chợ gần 2km,” anh Xuyên ngậm ngùi.
Có người “khôn” hơn, khi bán hàng ở lễ hội thì “bắt quen” với một nhà dân ở đó. Rồi cuối năm, họ đến biếu quà Tết rồi “tiện thể” nhờ xí chỗ hộ hoặc cho phép bán hàng ở trước hay cạnh cửa nhà đó.
Thậm chí, có những người quen nhau ở lễ hội, khi đến trước bèn dựng lều, cắm cọc xí chỗ cho nhau. Anh Mễ bảo, đi bán hàng với nhau nhiều năm thì quen, dần thành thân nên việc giúp đỡ ấy cũng là lẽ thường tình…
Bán hàng ở các lễ hội, nhiều người cũng kiếm cho mình được kha khá tiền. Như chị Mai, một ngày bán cá chỉ vàng, mực nướng cũng giúp cho chị “đút túi” từ 100.000 đồng – 200.000 đồng. Dẫu vậy họ vẫn ngay ngáy lo cho nhà cửa, con cái ở nhà.
“Mỗi lần đi vài ngày, ngày nào tôi cũng phải gọi điện về cho gia đình xem con cái ra sao,” chị Mai nói.
Chị bảo, kết thúc hội chùa Đậu, chị sẽ lại khăn gói quả mướp xuôi về Đền Trần (Nam Định) chờ ngày… lĩnh ấn./.
Trung Sơn (Vietnam+)