Ý kiến chuyên gia: Đúng và sai trong cách xử lý sự cố cho Eriksen

Trong trường hợp như Eriksen, theo bác sỹ thể thao, không tự ý đưa tay vào miệng nạn nhân, nên để nạn nhân nằm ở tư thế nghiêng đầu kê cao nhằm tạo thuận lợi cho đường thở.
Ý kiến chuyên gia: Đúng và sai trong cách xử lý sự cố cho Eriksen ảnh 1Theo bác sỹ thể thao Vũ Thành Luân của Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, việc đưa tay vào miệng trong tình trạng người bị nạn bất tỉnh không những gây cản trở đường thở mà còn rất nguy hiểm vì lực cắn khi đó rất mạnh.

Đêm 12/6, trong sự bàng hoàng của khán giả, tiền vệ Christian Eriksen (đội tuyển Đan Mạch) đổ gục xuống sân bất tỉnh vào phút 43 của trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan và được cấp cứu ngay trên sân trước khi đưa vào bệnh viện.

Christian Eriksen sau đó đã được đưa đi cấp cứu và đã qua khỏi cơn nguy kịch, có thể nói anh đã sống lại một cách diệu kỳ sau khi đã ngưng tim tới 5 phút. 

Sau đó, truyền thông đã ca ngợi cách hành xử kịp thời của cầu thủ Simon Kjaer - đội trưởng Đan Mạch trên sân. Theo đó, Simon Kjaer đã ngay lập tức ngăn không cho Eriksen nuốt lưỡi, chỉ đạo các đồng đội tạo thành hàng rào che chắn ống kính máy quay không thể ghi lại hình ảnh các bác sỹ cấp cứu cho Eriksen ngay trên sân, và cùng thủ môn Kasper Schmeichel ôm lấy vợ của người đồng đội, không cho cô đến chỗ người chồng bị nạn và an ủi cô.

Cách xử lý được cho là bình tĩnh, kịp thời của Simon Kjaer, sau đó là sự cứu chữa vô cùng chuyên nghiệp của đội ngũ bác sỹ trên sân đã góp phần không nhỏ để làm đập trở lại trái tim đã ngưng của Eriksen.

Ba điều đúng

Theo bác sỹ thể thao Vũ Thành Luân của câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, Simon Kjaer đã xử lý đúng ở những điểm sau.

Thứ nhất, không để đồng đội áp sát vì sẽ gây nên tình trạng thiếu oxy cho Eriksen.

Thứ hai, lập tức để Eriksen nằm im trong tư thế nằm nghiêng bất động, điều này rất quan trọng khi chưa xác định loại trừ các tổn thương cột sống cổ trong khi ngã hoặc trước đó.

Đặc biệt, là việc phong tỏa hiện trường theo cách hướng dẫn đồng đội làm thành tường chắn ngăn hình ảnh không đẹp lọt ra...

Tuyệt đối không đưa tay vào miệng người bị nạn

Tuy nhiên, theo bác sỹ Vũ Thành Luân, cách xử lý cho tay vào miệng Eriksen (được cho là Simon đã làm) trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội là điều tuyệt đối cấm kỵ trong cấp cứu.

Bác sỹ Vũ Thành Luân khuyến cáo truyền thông không vô tình làm mọi người hiểu sai, qua đó phổ biến cách thức sai trong xử lý các trường hợp tương tự. 

[Eriksen đã qua cơn nguy kịch, trận Đan Mạch-Phần Lan được tiếp tục]

"Về giải phẫu, phần giữ mặt trước của lưỡi được gọi là phanh lưỡi (frenum), ở mặt sau của miệng, lưỡi được neo vào xương móng hình chữ U ở cổ (hyoid bone) vậy con người không thể tự nuốt lưỡi được. Trong  trường hợp bất tỉnh, hệ cơ hoạt động không theo quy luật làm cho lưỡi tụt vào trong gây nghẹt đường thở, do vậy việc đưa tay vào miệng sẽ gây cản trở đường thở," bác sỹ Luân nhấn mạnh.

Chi tiết hơn, bác sỹ Luân phân tích rõ: "Việc đưa tay vào miệng trong tình trạng người bị nạn bất tỉnh sẽ rất nguy hiểm vì lực cắn của con người khoảng từ 150-200 PSI (chỉ số đo áp suất), gần bằng 105.000-140.000 kg (lực)/m2, có thể gây đứt ngón tay."

"Việc đưa tay vào miệng trong nhiều trường hợp là rất sai và truyền thông nói về hành vi này như một cách để cấp cứu đã vô tình làm mọi người hiểu sai, qua đó phổ biến cách thức sai trong xử lý các trường hợp tương tự," bác sỹ Luân nhấn mạnh

Nhân dịp này, bác sỹ Luân cũng nhắc lại hành động của người chiến sỹ cảnh sát cơ động trên sân Thiên Trường mấy mùa trước, theo đó việc đút ngón tay vào miệng cháu bé là sai, và dư luận không nên cổ súy phương thức cấp cứu đó. 

Kiến thức đúng khi sơ cứu

Trong trường hợp tương tự như Eriken, theo bác sỹ Luân cần làm theo các bước như sau:

- Không tự ý đưa tay vào miệng nạn nhân

- Để nạn nhân nằm ở tư thế nghiêng đầu kê cao nhằm tạo thuận lợi cho đường thở

- Khai thông đường thở nếu thấy dị vật hoặc đờm dãi.

- Nếu thấy nghiến răng có thể dùng ngón cái và bốn ngón còn lại bóp nhẹ góc hàm cho nạn nhân mở miệng.

- Kiểm tra mạch nếu không thấy mạch lập tức hô hấp nhân tạo ép tim ngoài lồng ngực.

Ý kiến chuyên gia: Đúng và sai trong cách xử lý sự cố cho Eriksen ảnh 2Eriksen được đưa đến bệnh viện. (Nguồn: Reuters)

Vào phút thứ 43 của trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan, Christian Eriksen dù không va chạm với ai nhưng đã đổ gục xuống sân bất tỉnh.

Ngay lập tức, trọng tài đã cho trận đấu tạm dừng, để cho các bác sỹ vào sân chăm sóc cho Eriksen. Các bác sỹ phải tiến hành hô hấp nhân tạo cho Eriksen trong khi các cầu thủ Đan Mạch tạo thành bức tường vòng tròn xung quanh.

Nguồn tin đăng tải trên Guardian cho biết, tiền vệ Christian Eriksen đã qua cơn nguy kịch sau khi bất tỉnh nhân sự ngay trên sân trong trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan tại EURO 2020.

Theo thông tin từ tờ báo này, Liên đoàn bóng đá Đan Mạch cũng xác nhận tình trạng Eriksen đã tốt hơn và đang được xét nghiệm tại bệnh viện.

Cùng với Liên đoàn bóng đá Đan Mạch, UEFA cũng đăng tải thông tin xác nhận "Eriksen đã qua khỏi cơn nguy kịch"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục