Ý kiến về mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội cấp xã

Có ý kiến cho rằng mức khoán kinh phí hoạt động đối với MTTQ cho các tổ chức chính trị, xã hội ở cấp xã cần căn cứ trên cơ sở nội dung, khối lượng hoạt động, tiền hội phí, đoàn phí… của từng tổ chức.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Ngày 14/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về chức danh, cơ cấu, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố; mức hỗ trợ hàng tháng, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị, xã hội; mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh Dự thảo Nghị quyết đã bám sát các căn cứ pháp lý, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương, thành phố và nhất là đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Thủ đô.

Dự thảo Nghị quyết lần này thể hiện tính vượt trội hơn hẳn so với các Nghị quyết trước đây Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành, thể hiện tính tôn vinh các cán bộ ở cơ sở. Về quy trình chuẩn bị, Tờ trình và hồ sơ đều đã đầy đủ.

Khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết để quan tâm hơn với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức khoán đối với một số đơn vị, tổ chức…, theo hướng đều tăng so với các mức hiện nay, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý hoàn thiện ngôn ngữ soạn thảo văn bản, ví dụ như tên Nghị quyết nên đi thẳng vào quy định; về căn cứ pháp lý đề nghị bổ sung thêm một số Luật có tác động trực tiếp tới các đối tượng được thụ hưởng của Nghị quyết.

Đồng quan điểm, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng các chính sách đưa ra trong Dự thảo Nghị quyết cơ bản bám sát các quy định pháp luật và điều kiện thực tế ở Hà Nội hiện nay.

Ông Vũ Thành Vĩnh, Thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội khẳng định việc ban hành Nghị quyết này để thay thế các Nghị quyết trước đây thật sự cần thiết.

Điển hình như các đề xuất về mức hỗ trợ kinh phí đối với Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ ở cấp xã cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ của tổ chức, nguyện vọng của cá nhân, trong khả năng cân đối nguồn kinh phí của thành phố nên có tính khả thi cao.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nêu ý kiến, mức tăng phụ cấp cho các chức danh trực tiếp cũng như kiêm nhiệm ở cấp xã, thôn, Tổ dân phố đều phù hợp. Tuy nhiên, về mức phụ cấp kiêm nhiệm cần có định hướng các chức danh có thể kiêm nhiệm ở cấp xã, thôn, tổ dân phố để thực hiện được thống nhất, xem các đối tượng, chức danh nào có thể kiêm cho phù hợp.

Riêng về mức khoán kinh phí hoạt động đối với Mặt trận Tổ quốc, cho các tổ chức chính trị, xã hội ở cấp xã cần căn cứ trên cơ sở nội dung, khối lượng hoạt động và tiền hội phí, đoàn phí… của từng tổ chức, không nên cào bằng giữa các tổ chức.

Ở góc độ địa phương, ông Trịnh Xuân Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Đức đề xuất tăng mức phụ cấp hàng tháng đối với Trưởng ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố bằng mức phụ cấp hàng tháng của các chức danh Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố do nhiệm vụ này đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức để hoàn thành và sẽ góp phần động viên, khích lệ, tương xứng với thời gian, cường độ lao động của người giữ chức danh Trưởng Ban công tác Mặt trận; đồng thời đề nghị bổ sung chức danh Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban Thanh tra nhân dân được hưởng mức bồi dưỡng hàng tháng do Chi bộ thôn thường có số đảng viên đông, nhiều chi bộ có số lượng trên 100 đảng viên, nên phát sinh nhiều nhiệm vụ so với chi bộ khác.

Theo Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện tại, mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội ở cấp xã đang thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng Nhân dân thành phố: xã, phường, thị trấn loại 1 được khoán 48 triệu đồng/tổ chức/năm; loại 2 được khoán 44 triệu đồng/tổ chức/năm; cấp xã loại 3 được khoán 40 triệu đồng/tổ chức/năm.

Thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND, mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng, hiện nay mức lương cơ sở đã tăng lên 1,8 triệu đồng, tăng 63%.

ttxvn hoi nghi phan bien2.jpg
Ông Trịnh Xuân Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Đức (Hà Nội) phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Trên cơ sở cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất tăng 50% mức khoán kinh phí quy định tại Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND, hỗ trợ thiết thực hoạt động thường xuyên của các tổ chức cấp xã và chỉ hỗ trợ đối với hoạt động của Chi hội tổ chức thuộc thôn, tổ dân phố.

Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã được được khoán kinh phí hoạt động như sau: xã, phường, thị trấn loại 1 là 72 triệu đồng/tổ chức/năm; loại 2 là 66 triệu đồng/tổ chức/năm; loại 3 là 60 triệu đồng/tổ chức/năm.

Ngoài ra, việc quy định về chức danh, cơ cấu đối với đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị giữ nguyên 10 chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND bao gồm các chức danh: Văn phòng Đảng ủy; Phụ trách công tác truyền thanh; Phó Chỉ huy trưởng Quân sự; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã và các phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân); Phó Bí thư Đoàn Thanh niên; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị bố trí cơ cấu người hoạt động không chuyên trách như sau:

Các chức danh Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn bố trí 1 người.

Các chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, bố trí theo quy định của Luật và Điều lệ của các tổ chức chính trị, xã hội và các văn bản pháp luật hiện hành.

Phó Chỉ huy trưởng Quân sự bố trí số lượng theo quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và các văn bản pháp luật hiện hành.

Đối với chức danh Văn phòng Đảng ủy ở Đảng bộ xã, phường, thị trấn quản lý dưới 500 đảng viên sẽ bố trí 1 người; từ 500 đến dưới 1.500 đảng viên bố trí không quá 2 người; từ 1.500 đảng viên trở lên bố trí không quá 3 người.

Các xã, phường, thị trấn bố trí chức danh, số lượng từng chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo không vượt quá số lượng được giao hàng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục