Ý nghĩa chiến lược ngày càng tăng của quần đảo

Đảo có thể đóng vai trò là những căn cứ cho các hoạt động tấn công và phòng vệ, các quần đảo cũng có thể cung cấp hỗ trợ hậu cần có giá trị cho các lực lượng hải quân, không quân hoạt động ở khu vực.
Ý nghĩa chiến lược ngày càng tăng của quần đảo ảnh 1Đảo Diego Garcia của Anh. (Nguồn: wikipedia.org)

Theo trang mạng eurasiareview.com, ngoài tranh chấp tiếp diễn về quyền tài phán ở Biển Đông, những diễn biến gần đây ở châu Á-Thái Bình Dương mà đôi khi gọi là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bộc lộ một vấn đề là các đảo ở khu vực này đang có ý nghĩa chiến lược ngày càng lớn.

Đảo có thể đóng vai trò là những căn cứ cho các hoạt động tấn công và phòng vệ và giống như đảo Diego Garcia của Anh, các quần đảo cũng có thể cung cấp hỗ trợ hậu cần có giá trị cho các lực lượng hải quân và không quân hoạt động ở khu vực.

Trong khi đó, tầm bắn và độ chính xác ngày càng lớn của các hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất và từ biển đang giúp làm giảm hiệu ứng chiến lược của cái được gọi là “rào cản về khoảng cách,” đồng thời góp phần đưa ra cách tính toán lại về các ưu tiên chiến lược cũng như vị trí của các đảo trong những ưu tiên này.

Quan điểm của Australia về vai trò của đảo

Ví dụ, ở Australia, sự hiện diện gia tăng các tàu thuyền hải quân và tàu thuyền thương mại của Trung Quốc đã khiến các chiến lược gia cho rằng lục địa Australia không còn cách xa những căng thẳng của khu vực như đã từng như vậy.

Giờ thì Australia cần tập trung các nguồn lực của mình để đầu tư cho các lực lượng quân sự hoạt động ở vùng biển xa vốn từng được coi là một “khoảng cách bầu trời-mặt biển” giữa Australia và các diễn biến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn có thể đe dọa an ninh của Australia.

Do đó, một sự khẳng định rất dễ nhận ra về việc Hải quân Australia phát triển các năng lực chiến đấu chất lượng cao vốn sẽ cho phép Canberra hoạt động hiệu quả hơn ở một khu vực có nhiều quần đảo với điều kiện có thể không dễ dàng và cách xa nhà.

Những năng lực này bao gồm rõ nhất là các tàu chiến đổ bộ lớp Canberra của Hải quân Australia vốn có thể đưa 900 binh sỹ đổ bộ và điều hành nhiều loại chiến đấu cơ, trong đó có máy bay chiến đấu phản lực F35B Lighting.

Ưu tiên mới về phòng thủ tiền tiêu

Gần đây, Hải quân Hoàng gia Australia đã tập trung phát triển các năng lực cho lực lượng đặc nhiệm vốn tận dụng tối đa cả ba địa hình trên mặt đất, trên biển và trên không.

Để thể hiện các khả năng này, Hải quân Australia gần đây đã tiến hành cuộc tập trận tấn công đổ bộ mang tên “Talisman Sabre.” Đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ năm 1945 với sự tham gia của cả 3 lực lượng của Australia.

[Các chuyên gia lên án Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông]

Ngoài ra, sự kiện này cũng có sự tham gia của các nước Canada, Nhật Bản, New Zealand, Mỹ và Anh. Ở quy mô nhỏ hơn, lợi ích chiến lược tương tự đang được thể hiện ở các quần đảo thuộc Nam Thái Bình Dương với việc mở cửa trở lại căn cứ cũ tại đảo Manus ở Papua New Guinea và mua đội tàu tuần tra hải dương lớp Arafura thay thế các tàu tuần tra lớp Armidale.

Chi tiêu quốc phòng của Australia hiện đã tăng lên gần 2% GDP và có thể sẽ còn tăng hơn nữa. Tất cả những điều nói trên cho thấy mối ưu tiên chiến lược cao mà Canberra hiện gắn với chính sách phòng thủ tiền tiêu đối với các quần đảo ở phía Bắc Australia.

Quan điểm của Mỹ về chuỗi đảo

Tương tự đối với khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương, nơi các nhà phân tích chiến lược của Mỹ và các chỉ huy lực lượng dường như đều có ý định tái thiết lập năng lực của họ đối với điều mà đôi khi được gọi là “phòng thủ quần đảo.”

Đây là một khái niệm về các chiến dịch trong đó cả 4 lực lượng gồm bộ binh, hải quân, lính thủy đánh bộ và không quân, hợp thành một để khai thác các cơ hội chiến lược cho sức ép hàng hải, vốn được cung cấp đặc biệt bởi chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai.

Lối tư duy này không mới, song đối với Hải quân hoặc Không quân Mỹ, lối tư duy này thể hiện sự thay đổi thực chất đối với lực lượng đánh bộ và lính thủy đánh bộ vốn gần đây phải lo lắng về những yêu cầu của các chiến dịch rất khác nhau ở Iraq và Afghanistan.

Một chiến lược như vậy đòi hỏi sự tổng lực của các lực lượng lục quân được bố trí rải rác ở khu vực quan tâm. Nếu và khi cần thiết, lực lượng này có thể được các lực lượng đổ bộ, không quân và hải quân lanh lợi từ bên ngoài đến hỗ trợ trong một cuộc tấn công ban đầu, đồng thời cung cấp khả năng phòng thủ sâu cho các lợi ích chiến lược ở xa phía sau.

Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung, các hệ thống tên lửa và phòng không có thể sẽ đóng vai trò trung tâm trong một chiến dịch như vậy.

Hệ thống tương đối mới là hệ thống phóng rocket pháo binh có tính cơ động cao đã được Mỹ triển khai sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch này, như đã được minh chứng khi hệ thống này tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre đề cập ở trên.

Tính hai mặt của vấn đề

Với tình trạng tranh chấp và lợi ích gia tăng trong việc bảo vệ quần đảo Ryuku như Nhật Bản thể hiện trong những năm gần đây, tầm quan trọng chiến lược ngày càng gia tăng của các quần đảo ở châu Á-Thái Bình Dương trở nên hiện hữu. Điều này có tính hai mặt.

Như kinh nghiệm thời chiến của Singapore cho thấy, các quần đảo được coi là có ý nghĩa tiềm năng chiến lược song không được phòng thủ thỏa đáng thì chúng có nguy cơ dễ trở thành mục tiêu của những nước vốn cảm thấy bị đe dọa bởi chính sự triển khai đầy đủ lực lượng của họ, do đó, dễ lao vào một cuộc xung đột mà họ không muốn xảy ra.

Ngoài ra, kinh nghiệm cũng cho thấy quần đảo dễ trở thành các chỉ số điều hành và quản lý chính phủ, đặc biệt là ở những nước theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, vì vậy, điều này biến các quần đảo trở nên có vai trò quan trọng hơn vai trò vốn có của chúng.

Những nước sở hữu các quần đảo này, thậm chí có cư dân sinh sống trên đó, có thể bất bình trước tình trạng can dự rủi ro trong các tính toán chiến lược của các cường quốc khác.

Với những lý do trên, sự gia tăng tầm quan trọng chiến lược của các quần đảo ẩn chứa rủi ro chính trị và quân sự như ở khu vực biển châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, vấn đề này cần được tất cả các nước liên quan xử lý thận trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục