Bà Rịa-Vũng Tàu góp 17.000 ý kiến sửa Hiến pháp

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức gần 2.600 hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thu được 17.000 lượt ý kiến.
Tính đến ngày 10/3, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức được gần 2.600 hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với hơn 144.000 người tham gia, thu được gần 17.000 lượt ý kiến đóng góp.

Ngày 11/3, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương do ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tham gia đoàn có các thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một kênh rất quan trọng cần phải được phát huy tối đa.

Phó Thủ tướng đánh giá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, có những cách làm hay, phù hợp với từng địa bàn dân cư, từng đối tượng. Mặc dù thời gian ngắn, bận rộn tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán cho người dân nhưng tỉnh đã có cố gắng lớn và đạt được những kết quả tương đối cơ bản, rõ nét, đảm bảo tiến độ Trung ương đề ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu trước mắt tỉnh phải hoàn thành bản báo cáo, trong đó cần có những thống kê, so sánh cụ thể về số người tham gia đóng góp ý kiến. Báo cáo phải phản ánh được điều nào dân đóng góp, mong muốn nhiều nhất và cần đưa ra những nhận định, đánh giá làm toát lên được quan điểm, tỷ lệ ủng hộ hay không ủng hộ của nhân dân đối với mỗi chương, mục. Việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn tiếp tục đến ngày 30/9/2013.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong thời gian tới, tỉnh phải đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền về bản dự thảo tới người dân, bởi bên cạnh việc thu được ý kiến đóng góp, một yêu cầu rất quan trọng nữa là giúp người dân hiểu nhiều hơn về Hiến pháp, nâng cao nhận thức, hiểu biết về vai trò, quyền lợi, nghĩa vụ của người dân được Hiến pháp quy định.

Tỉnh phải tập hợp đầy đủ, khách quan, trung thực mọi ý kiến đóng góp của nhân dân, không ngại những vấn đề lớn, quan trọng, đụng chạm, nhạy cảm và cần tranh thủ thêm ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà khoa học, nhà quản lý...

Tại buổi làm việc, địa phương đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong quá trình triển khai thực hiện để có hướng giải quyết. Các thành viên trong Đoàn cũng đã kịp thời hướng dẫn, trả lời những khúc mắc địa phương đang gặp phải để triển khai tốt hơn trong thời gian tới./.

Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục