Bắc Giang còn nhiều tiềm năng phát triển về du lịch

Bắc Giang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, thích hợp với nhiều loại hình như du lịch làng nghề, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng.
Tại hội thảo “Liên kết phát triển du lịch Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn” được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh tổ chức gần đây, nhiều đại biểu đều khẳng định Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch.

Du lịch Bắc Giang mới chỉ là bắt đầu và chưa được nhiều người biết đến. Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang khóa XVII xác định phát triển du lịch là một trong 5 chương trình kinh tế-xã hội trọng tâm giai đoạn 2011-2015, đặt mục tiêu đến năm 2015, Bắc Giang đón hơn 400.000 lượt du khách, giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Ngô Văn Trụ cho biết nằm cách Hà Nội khoảng 60km, Bắc Giang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, thích hợp với nhiều loại hình như du lịch làng nghề, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng.

Theo thống kê, Bắc Giang có tới 2.000 di tích lịch sử văn hóa (đình, chùa, đền, miếu, lăng tẩm…), trong đó đã xếp hạng 534 di tích. Những di sản văn hóa phi vật thể gồm các hình thức văn hóa dân gian truyền thống (lễ hội, âm nhạc, dân ca…), trong đó có mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Là điểm chung chuyển giữa thủ đô Hà Nội với Lạng Sơn, theo ông Ngô Văn Trụ cần thiết lập ở Bắc Giang hai tuyến du lịch để lưu giữ khách.

Tuyến phía Tây thành phố gồm các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên với các điểm nhấn tại huyện Tân Yên là lễ hội cầu Vồng, đền Dành, đình Cao Thượng…, huyện Hiệp Hòa là lễ hội đền Y Sơn, khu di tích cách mạng Hoàng Vân, Đông Lỗ; huyện Việt Yên là lễ hội chùa Bổ Đà và các làng cổ gắn với quan họ, ca trù; Lạng Giang gắn với đình Phù Lão, Kép, Cần Trạm-Phố Cát; huyện Yên Thế với các di tích gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Tuyến phía Đông là tuyến trọng điểm thuộc Tây Yên Tử có các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Dọc tuyến này có có khu du lịch vừa mang đậm nét văn hóa tâm linh, vừa có thể kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Điểm đầu là huyện Yên Dũng với dãy Nham Biền, chùa Vĩnh Nghiêm; huyện Lục Nam gồm các điểm suối Mỡ, vực Rêu, suối Nước Vàng và hệ thống di tích dọc sông Lục Nam; huyện Lục Ngạn là du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần và du lịch cộng đồng…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Đỗ Đức Thành cũng thừa nhận giá trị kinh tế mang lại từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, người dân được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch chưa nhiều là do Bắc Giang thiếu sự đầu tư đồng bộ, cơ sở hạ tầng còn thấp, dịch vụ vui chơi giải trí còn hạn chế, cộng thêm nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu và cách làm du lịch chưa chuyên nghiệp…

Theo ông Đỗ Đức Thành, tỉnh cần huy động, kêu gọi đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng từ nay đến 2015 để đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm. Bên cạnh đó, Bắc Giang cần tổ chức liên kết với các tỉnh Quảng Ninh-Hải Dương khai thác tuyến du lịch Tây Yên Tử; tuyến Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn, phát triển du lịch cộng đồng tại một số xã vùng cao; chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức năm du lịch Bắc Giang vào năm 2014 nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tài nguyên du lịch, đồng thời quan tâm đầu tư, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống như bánh đa Kế, mì Chũ, rượu Làng Vân, gốm làng Ngòi và phấn đấu đến năm 2015 có 85% lao động trong ngành du lịch của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục