Bản chất nghèo đói tại Việt Nam đang thay đổi

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, công cuộc xóa đói giảm nghèo đang đối diện với bối cảnh nghèo đói thay đổi nhanh.
Bản chất nghèo đói đang thay đổi đòi hỏi sự linh hoạt trong chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo.

Kinh tế khác, đói nghèo khác

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết: “Trong giai đoạn sau đổi mới 1986 đến trước năm 2006, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung được thay bằng nền kinh tế thị trường. Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào nền kinh tế mở toàn cầu”.

“Sự chuyển đổi này khiến đói nghèo giảm từ mức gần 58% dân số xuống còn 16%. Các chỉ số phúc lợi như tiếp cận dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng cơ bản cũng tăng tích cực. Chính phủ đầu tư nguồn lực đáng kể cho các chương trình giảm nghèo quốc gia với mục tiêu thúc đẩy phát triển trên diện rộng và cân đối về mặt xã hội”, ông Hòa nói.

Ông Đặng Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đánh giá sự thay đổi bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước dẫn đến bản chất nghèo đói cũng thay đổi.

Phân tích của Trung tâm Phân tích Dự báo (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã chỉ ra rằng “Nghèo đói về vật chất đã chuyển từ một hiện tượng số đông thành một vấn đề cụ thể của các cộng đồng. Cộng đồng đó là những nhóm như trẻ em đường phố, người thất nghiệp và người sống ở vùng nông thôn, hẻo lánh”.

“Ngoài ra, tiến trình kinh tế mới, đô thị hóa cũng dẫn đến những thách thức lớn với đời sống xã hội. Bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Các cá nhân dễ tổn thương trước những cú sốc kinh tế-xã hội và môi trường. Xói mòn các mạng lưới an sinh cộng đồng”, phân tích nêu rõ.

Thêm vào đó, khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO,) mỗi "cú sốc" của kinh tế thế giới cũng có những ảnh hưởng nhất định tới Việt Nam. "Ví dụ gần nhất là hiện tượng mất việc hàng loạt đầu năm 2008 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới", ông Hòa phân tích.

Chính vì thế, ông Đặng Kim Chung cho rằng, công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam đang đối diện với bối cảnh nghèo đói thay đổi nhanh chóng.

Khuyến nghị mở rộng bảo trợ xã hội

Trên nền tảng nhận thức về hiện tượng nghèo trong giai đoạn hiện nay, nhóm nghiên cứu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến nghị mở rộng bảo trợ xã hội cho các nhóm người nghèo. Cụ thể là: Sau năm 2010 chương trình mục tiêu quốc gia cần tiến tới mở rộng và thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội bao phủ toàn bộ các đối tượng dễ bị tổn thương.

“Điều này phù hợp với những nước có thu nhập trung bình và đã thoát khỏi diện nghèo đói phổ biến, nhưng vẫn có một số nhóm người dễ bị tổn thương trước những cú sốc. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện các chính sách này thấp hơn nhiều so với các chương trình mục tiêu”, ông Chung phân tích.

Ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) khẳng định, Bộ đang cùng với Chính phủ xây dựng một chiến lược an sinh xã hội tổng thể, dài hạn nhằm bảo vệ người dân trước những rủi ro về kinh tế-xã hội để bổ sung cho các hỗ trợ về giảm nghèo.

Ngoài ra, sẽ có những phương pháp mới trong hỗ trợ giảm nghèo có mục tiêu như: Hỗ trợ trọn gói cho các huyện và quỹ phát triển cộng đồng; chi trả trực tiếp có điều kiện hoặc gói hỗ trợ thu nhập cơ bản.

Địa phương hóa các chương trình

Về phía địa phương, theo nhóm nghiên cứu, cần đảm bảo các chương trình hỗ trợ đến được với người nghèo và có sự phối kết hợp giữa các chính sách thông qua tiến trình tăng cường kinh tế xã hội tại địa phương. Điều này sẽ giúp giải quyết nghèo đói theo cách tiếp cận đa chiều và đặc thù địa phương. Các địa phương sẽ tự xem xét để tập trung nguồn lực vào các vùng nghèo nhất. Ngoài ra, chỉ cơ sở mới có thể xây dựng các gói hỗ trợ gắn với nhu cầu của mình.

“Trên thực tế, lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội là yếu tố quyết định cho các hoạt động giảm nghèo trong tương lai. Nên kết hợp nó với cơ chế hỗ trợ tài chính linh hoạt từ trung ương. Việc xây dựng kế hoạch nên được thực hiện có hệ thống. Điều này giúp tránh trùng lắp các chương trình. Đồng thời cũng giúp có được một chương trình tổng thế tốt hơn”, ông Chung nói.

Các chương trình mục tiêu được khuyến cáo nên tập trung vào những nơi có tỷ lệ nghèo cao. Nghèo đói ngày càng phức hợp, nên cần phải có những giải pháp hỗ trợ tổng hợp, vừa nhằm cải thiện môi trường, vừa hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu cao nhất. Một điểm quan trọng cũng được nhắc tới là hệ thống phân loại và xác định hộ nghèo cần phải được điều chỉnh đơn giản, minh bạch và khách quan. Mức độ nghèo đói phải là điểm mấu chốt trong quyết định phân bổ nguồn lực, và hỗ trợ tài chính trọn gói./.

Các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo đến năm 2010:
 
 - Cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng cơ bản cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc các vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
 - 6 triệu lượt hộ nghèo được cấp tín dụng ưu đãi.
 - 4,2 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn về khuyến nông-lâm-ngư, chuyển giao kỹ thuật và họat động kinh doanh.
 - 150.000 người nghèo được miễn giảm học phí đào tạo nghề.
 - 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi ốm đau đi khám chữa bệnh được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.
 - 19 triệu lượt học sinh nghèo, trong đó có 9 triệu học sinh tiểu học được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường.
 - 170.000 cán bộ làm công tác giảm nghèo, trong đó 95% cán bộ cấp cơ sở được tập huấn nâng cao năng lực.
 - 500.000 hộ người được hỗ trợ để xóa nhà tạm.
 - 98% người nghèo có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí.  
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục